10+ truyện thai giáo tháng thứ 7 cho bé phát triển ngôn ngữ

Lợi ích của truyện thai giáo tháng thứ 7 cho bé

Bố mẹ biết không, truyện thai giáo là phương pháp giáo dục cho bé từ sớm, ngay từ trong bụng mẹ. Phương pháp này được nhiều nước phát triển áp dụng, có tác dụng kích thích trí não bé phát triển, con sớm thích nghi và nhạy bén trước âm thanh thế giới bên ngoài bụng mẹ.

Ngay từ tháng thai kỳ thứ 5, mẹ có thể áp dụng phương pháp cho bé nghe truyện thai giáo. Việc kể chuyện thai giáo cho thai nhi thực chất để mẹ hiểu được những bài học sâu xa bên trong từng câu chuyện, qua đó chỉnh sửa tính cách của mình để hiền hòa hơn, sống tốt hơn từ đó hình thành cho bé một lối sống tích cực hơn ngay từ trong bụng mẹ.

truyen-thai-giao-thang-thu-7

Là một bà mẹ 4 con, Vi hiểu rõ nhiều chị em gặp khó khăn khi không có thời gian đọc truyện thai giáo vì công việc bận bịu. Chính vì thế, Vi đặc biệt chuẩn bị video tổng hợp kho truyện thai giáo cho thai nhi để mẹ dễ dàng nghe lúc làm việc, dọn dẹp nhà cửa hoặc thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc.

10 phút nghe truyện thai giáo cho bé

10 phút truyện thai giáo cho bé quen thuộc âm thanh cuộc sống bên ngoài

4 truyện thai giáo hay nhất về loài vật 

Tuyển tập truyện thai giáo cho bé phát triển ngôn ngữ

Những câu chuyện thai giáo ý nghĩa cho bé

Các mẹ bầu cùng xem nhé!

Truyện thai giáo tháng thứ 7 – truyện 1

Truyện chàng rùa

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia hiếm hoi mãi mới sinh được một đứa con lại là một chú Rùa bé tí ti. Hai vợ chồng buồn quá định vứt đi nhưng Rùa nói: Con là con của bố mẹ, bố mẹ đừng vứt con đi. Thấy vậy, hai vợ chồng liền để Rùa lại nuôi.

Rùa ăn ít như mèo. Ăn xong lại ngủ một xó. Mùa đông năm ấy, nhà vua xây một toà lâu đài. Vua bắt gia đình nào cũng phải đi phu, vác đất, vác gỗ làm nhà cho vua. Ai không đi sẽ bị tội nặng.

Rùa nghe được liền bò đến bàn với mẹ:

– Bố mẹ già rồi, cứ ở nhà nghỉ ngơi, để con đi làm cho nhà vua thay bố mẹ. Mẹ Rùa lắc đầu nhìn con không tin. Nhưng nghe giọng rùa quả quyết, bà cũng lấy dao buộc vào lưng cho Rùa như người đi rừng. Nơi vua xây lâu đài người đi lại chất đường. Rùa bò giữa đám đông, lâu lâu lại nghe người ta bàn tán, thắc mắc sao không thấy bố mẹ Rùa đi làm cho nhà vua. Sợ những lời bàn tán của bà con đến tai vua thì vua bắt tội bố mẹ. Rùa bèn ngẩng đầu lên nói to:

– Thưa bà con, cô bác, bố mẹ cháu già yếu rồi không đi làm cho vua được nữa, vì vậy cháu đi làm thay.

Nghe tiếng Rùa nói, mọi người nhìn xuống đất rồi cười lớn. Rùa bé tí thế này, làm nhà sao được. Tránh ra cho các cô, các bác làm nếu không người đông, người ta giẫm vỡ mai mất.

Rùa khiêm tốn đáp:

– Các cô, các bác lớn thì vác cây gỗ lớn, cháu nhỏ thì vác cây gỗ nhỏ thôi có sao đâu.

Mọi người lên rừng, Rùa cũng lên rừng. Người lớn vác cây gỗ to bằng cái cột. Rùa bé nên các cây gỗ to bằng ngón tay. Mọi người lại xì xào, cười cây gỗ của Rùa nhưng Rùa im lặng không nói gì. Vác được cây gỗ nào về, Rùa lại xếp vào một đống riêng. Hết ngày Rùa mới đến bên đống gỗ, ghé miệng thổi “phù, phù” mấy cái thì lạ chưa, những cây gỗ tự nhiên to lên khác thường. Có cây to gấp ba bốn lần những cây gỗ của người lớn vác, khiến ai cũng ngạc nhiên. Vác gỗ xong, mọi người bắt tay vào làm.

Lâu đài của vua định làm to quá, mọi người làm mãi không xong, ai cũng sốt ruột muốn về nhà. Thấy mọi người chán nản. Rùa nói với mọi người là cứ tấu với nhà vua để cho Rùa làm một mình, Rùa cam đoan là Rùa chỉ làm một ngày là xong.

Nghe Rùa nói, mọi người không tin nhưng vì muốn chóng được về nhà nên có người đem lời Rùa nói kể lại với nhà vua. Vua gọi Rùa tới bảo:

– Rùa làm nhà cho ta xong sớm thì ta sẽ trả cho nhiều tiền công rồi ta cho về với bố mẹ. Nếu Rùa không làm được thì ta sẽ nọc Rùa ra đánh đủ trăm roi.

Rùa không nói gì, bắt tay ngay vào việc. Nhờ có bạn bè Rùa giúp sức, Rùa chỉ làm đúng một ngày là xong toà lâu đài. Rùa mời Vua đến xem. Nhìn toà lâu đài nguy nga, đồ sộ, Vua thích lắm. Nhưng lòng tham nổi lên, Vua không trả tiền công cho Rùa, không cho Rùa về với bố mẹ như lời Vua đã hứa và lại bắt Rùa làm cho Vua một lâu đài nữa.

Rùa nhận lời nhưng ra điều kiện là trong lúc Rùa đi lấy gỗ thì vua phải giữ mai cho Rùa, không được làm mất. Vua đồng ý.

Thế là Rùa liền rút mai, vươn vai ba lần và hóa thành một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai, chuẩn bị vác gỗ. Thấy lạ, Vua tò mò hỏi Rùa:

– Thế bây giờ ta muốn vào nằm thử trong mai rùa có được không?

Rùa đáp:

– Được!

– Tên vua dại dột liền chui vào mai Rùa nằm thử, chàng trai bỗng nói: “Khép lại, khép lại”, mai Rùa tự nhiên khép chặt lại, và thế là tên vua gian ác tham lam biến thành con rùa. Xấu hổ quá, hắn phải bò lên rừng, đói thì kiếm mộc nhĩ ăn. Còn chàng Rùa thì được mọi người tôn lên làm Vua. Chàng đón bố mẹ về ở với mình và đối với bố mẹ rất hiếu thảo.

Truyện thai giáo tháng thứ 7 – truyện 2

Thỏ con ngoan ngoãn

Thỏ mẹ có 3 thỏ con: đặt tên là Mắt hồng, Đuôi ngắn và Tai dài. Thỏ mẹ đi nhổ củ cải liền dặn các con phải đóng cửa cẩn thận, ngoài mẹ ra không được mở cửa cho bất kỳ ai vào.

Thỏ mẹ đi nhổ củ cải quay về hát rằng: “Thỏ con ngoan ngoãn, mau mở cửa ra, mẹ đã về nhà, mau mau mở cửa”. Ba chú thỏ con vui mừng mở cửa cho mẹ.

Có một con sói xám lớn, nấp sau cây to nghe trộm được lời của thỏ mẹ hát, nó vui mừng nghĩ bụng: “ái chà ngày mai ta sẽ có một bữa điểm tâm ngon lành đây”.

Sáng hôm sau, thỏ mẹ dặn dò các con rồi ra khỏi nhà đi hái nấm. Sói xám đợi cho thỏ mẹ đi xa, rồi đi đến trước cửa nhà thỏ. Nó gõ cửa, lấy tay bịt mũi bắt chước giọng thỏ mę hát lên: “Thỏ con ngoan ngoãn, mau mở cửa ra mẹ đã về nhà, mau mau mở cửa”.

Thỏ mắt hồng và đuôi ngắn vừa nghe xong đã nói: “A, mẹ đã về rồi ra mở cửa thôi”. Thỏ tai dài ngắn lại nói: “Không đúng, em nghe không phải giọng của mẹ”.

Thỏ mắt hồng nhìn qua khe cửa, khẽ nói: “Không phải mẹ, đó là con sói xám”. Ba chú thỏ con cùng cất tiếng: “Không mở, không mở, không thể mở được, mẹ chúng ta chưa về, chúng ta không mở cửa cho ai cả.

Sói xám vội vàng nói: “Mẹ là mẹ của các con đây, mau mở cửa ra”. Thỏ ngắn đuôi nói: “Thế bà thò đuôi qua cho chúng tôi xem”.

Sói xám thò đuôi vào qua khe cửa, ba chú thỏ cùng túm chặt lấy, đóng chặt cửa lại, kẹp chặt đuôi của sói xám, sói xám đau quá kêu lên ầm ỹ.

Thỏ mẹ đi hái nấm quay về, thấy sói xám quỳ trước của nhà mình, bèn tìm ngay một cây gậy thật to đánh tới tấp, cho đến khi sói xám chết hẳn.

Ba chú thỏ con mở cửa, chạy ào ra ôm mẹ. Thỏ me khen ngợi các con là những đứa trẻ vừa biết nghe lời lại vừa mưu trí, dũng cảm.

Truyện thai giáo tháng thứ 7 – câu chuyện số 3

Sự tích cây xoài

Ngày xưa, có một gia đình bác nông dân nghèo sinh được một cậu con trai. Cậu bé ngoan ngoãn, thật thà tốt bụng. Nhà tuy nghèo nhưng bố mẹ và cậu bé luôn giúp đỡ mọi người từ miếng cơm manh áo. Còn cậu bé ngày càng hiếu thảo, hay giúp cha mẹ công việc trong nhà, ngoài đồng.

Tên cậu bé là Đôxigôla nhưng cha mẹ yêu quý gọi cậu bằng cái tên thân mật là: Đôxi bé bỏng. Đôxi hay giúp đỡ mọi người và chăm sóc một bà già tàn tật sống ở cuối làng như chính cha mẹ mình. Bà cụ lấy làm vui lắm mỗi khi cậu bé đến.

– Bà ơi cháu hái rau cho bà nhé. – Đô xi nói – Cháu mang theo cho bà mớ tép cháu mới bắt được ở đồng đây bà ơi.

– “Cảm ơn cháu”, bà già nói, “cháu có biết là cháu mang đến cho bà bao nhiêu niềm vui không? Cháu của bà ngoan lắm.”

Không những giúp bà mà Đô xi còn giúp đỡ rất nhiều người neo đơn khác trong làng vì thế nên mọi người trong làng rất yêu quý cậu. Các bà mẹ trong làng luôn lấy Đô xi ra để làm gương cho con cái: “Các con phải ngoan ngoãn như anh Đô xi nhé!”

Thế rồi một hôm mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, trong làng có một bà cụ ăn xin quần áo ướt sũng, chân tay run lẩy bẩy. Đô xi thấy vậy liền mang cho bà một bộ quần áo mới, cậu vội vàng đốt lửa cho bà cụ sửa và mang cơm cho bà.

– Cháu quả là có tấm lòng nhân hậu, tất cả mọi người sẽ không quên tấm lòng tốt của cháu đâu. – Bà cụ già nói.

Một thời gian sau, bố mẹ của Đô xi rất buồn, bà con làng xóm cũng thay nhau đến để chăm sóc cho cậu. Nhưng vì bệnh hiểm nghèo nên Đô xi đã qua đời. Bố mẹ của Đô xi đau lòng khóc thương con thảm thiết, dân làng không ai kìm được nước mắt: “Đô xi tốt bụng đã không còn nữa, chú bé chịu thương chịu khó đã mất rồi.”

Bỗng nhiên Bà lão ăn mày được Đô xi giúp đỡ xuất hiện, bà đến với bộ quần áo trắng sạch sẽ khuôn mặt bà rạng rỡ sáng ngời. Bà đến bên xác Đô xi và nói với mọi người:

– Xin mọi người đừng quá đau buồn, Đô xi mất đi nhưng trái tim yêu thương của cậu bé sẽ sống mãi.

Mọi người đều nhìn bà kinh ngạc: “Làm sao có thể làm sống lại trái tim của người đã chết?”

Như đoán được ý của mọi người, bà cụ nói tiếp:

– Tôi sẽ mang trái tim của Đô xi về trời, mọi người sẽ thấy trái tim của Đô xi sẽ sống mãi với chúng ta.

Nói xong bà cụ liền mang trái tim của Đô xi để vào chiếc hòm gỗ. Bà đem chôn quả tim của Đô xi ở góc vườn đẹp nhất.

Mấy ngày sau mọi người thấy ở chỗ chôn quả tim của Đô xi mọc lên một mầm cây, và chỉ vài ngày cây lớn nhanh như thổi, cành lá xum xuê. Mọi người cùng nhau chăm bón cây lạ và rồi cây bắt đầu ra hoa và tạo ra những quả có hình dạng như trái tim. Một thời gian sau quả bắt đầu chín vàng. Mọi người hái xuống nếm thử:

– Chà, ngọt quá, mùi thơm của nó mới dễ chịu làm sao? Đúng quả của trái tim của Đô xi.

Rồi mọi người bàn bạc và đặt tên cho loại quả đó. “Chúng ta hãy gọi tên nó là “Đôxigôla” “. Theo thời gian mọi người đọc lệch đi thành Mango theo tiếng Pekan (một vùng thuộc Malaysia) Mango nghĩa là “Quả xoài” đấy.

Truyện thai giáo tháng thứ 7 – câu chuyện thứ 4

Cú và voi

Trong một khu rừng rậm kia có con cú và con voi kết làm bạn thân. Đã nhiều năm nay tình bạn này rất tốt đẹp: chúng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, gặp khi hoạn nạn cùng tìm cách giúp đỡ lẫn nhau.

Một hôm, đói lòng, Voi đi tìm thức ăn. Nó đi lang thang và đi sâu mãi vô rừng. Bỗng nó gặp lũ quỷ đang tụ tập, vua quỷ vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Nó vừa mơ thấy mình được ăn thịt voi, và nó rất sung sướng khi vừa tỉnh giấc đã trông thấy một con voi thực sự đang đứng trước mặt. Lũ quỷ thích lắm, chúng một mực đòi giấc mơ của vua quỷ thành sự thật. Chúng túm lấy Voi định đem giết mặc cho con voi phản đối kịch liệt. Cuối cùng đuối sức, Voi đành nói: “Xin các ông tha tội cho tôi được về gặp người bạn thân nhất lần cuối, rồi tôi sẽ quay lại ngay để nộp mạng.

Trên đường trở về, gặp ai Voi cũng hỏi: Có phải trong giấc mơ người ta thấy ăn gì thì khi tỉnh giấc nhất thiết người ta phải ăn thứ đó không? Mọi người ai cũng nói là đúng như vậy khiến Voi bước đi lòng đầy chán nản và đau khổ.

Cuối cùng Voi cũng về tới nơi bạn Cú ở. Nhìn thấy bạn vẫn vui vẻ bình tĩnh chẳng biết gì, Voi thở dài nói:

– Vĩnh biệt người bạn chí thiết của tôi… Tôi phải đi nội mạng cho vua quỷ ăn thịt đây.

– Chuyện gì xảy ra cho anh thế? Tại sao lại phải đi nộp mạng cho vua quỷ ăn thịt?

Voi buồn bã kể lại mọi chuyện cho Cú nghe. Nghe xong, Cú bình tĩnh nói:

– Anh hãy yên lòng. Tôi sẽ cùng đi với anh đến đó. Chẳng biết Cú có cách gì không nhưng thấy Cú đi theo mình, Voi cũng an tâm và trong lòng cũng cảm thấy được an ủi phần nào.

Cú đậu trên mình voi để cùng đi tới nơi của quỷ vì nếu Cú dùng cánh để bay tới thì nó sẽ tới nơi trước bạn. Khi cả hai đến nơi lũ quỷ. Cú vươn đôi cánh như vừa träi qua một giấc ngủ dài. Cú lên tiếng.

– Ta vừa mơ thấy lấy được hoàng hậu quỷ. Vậy nàng ấy đâu, nhất định ta phải lấy nàng làm vợ! Lũ quỷ nhao nhao phản đối:

– Hoàng hậu của chúng ta đã có vua rồi… mày không thể lấy hoàng hậu được chỉ vì cái giấc mơ ngu xuẩn của mày!

Cú liền chộp ngay lấy thời cơ: Nếu ta không biến giấc mơ của ta thành sự thật được… thì vì lý do gì vua của các ngươi lại nhất định ăn thịt bạn Voi của ta chỉ vì trong giấc mơ ông ta thấy được ăn thịt voi?

Lũ quỷ đơ người ra, cuối cùng đành phải thả cả hai đi. Voi sung sướng thoát nạn và càng mến phục người bạn chỉ thiết tốt bụng và thông minh của mình. Tình bạn giữa Cú và Voi ngày càng thắm thiết đậm đà hơn.

Truyện thai giáo tháng thứ 7 – truyện thứ 5

Người tiều phu hóa nai

Ngày xưa, ở đất Cao Bằng, có một người tiều phu mộc mạc hiền lành và hiếu thảo. Anh có một bà mẹ già hay đau ốm. Thầy thuốc bảo là cần có sữa nai tẩm bổ, mới mong chữa lành bệnh cho mẹ. Anh không quản ngại khó khăn, mỗi ngày vào rừng quyết tâm đi tìm kiếm sữa nai về cho mẹ, nhưng rất khó vì vừa thấy bóng người, nai đã bỏ chạy mất rồi.

Không lấy được sữa nai, người tiều phu buồn bực, không dám về nhà. Anh ngồi giữa rừng ôm mặt khóc. Bỗng nhiên, thấy có một ông lão chống gậy đến bảo rằng: “Nếu con muốn có sữa nai thì phải mang lốt nai, mới đến gần loài nai được”. Rồi ông lão trao cho anh tiều phu một bộ da nai khoác vào người.

Anh làm theo và quả nhiên, sau đó, anh lại gần được các con nai cái, vắt được nhiều sữa đem về nhà chữa bệnh cho mẹ già. Một hôm, ông lão lại hiện ra, ngỏ lời khen lòng hiếu thảo của anh, rồi truyền cho anh các phép đạo thần tiên. Anh học thuộc lòng, không nói cho ai hay biết. Sau khi mẹ già qua đời, anh liền bỏ đi lên núi biền biệt, không trở về nhà nữa.

Sau đó khá lâu, một hôm, có một người con của ông tiều phu vào núi lấy củi. Anh bỗng gặp một con nai nói được tiếng người. Nai bảo: “Cha đây. Cha đã hoá thành nai rồi, không thể trở lại lốt người được nữa. Cha cho con cái gạc (sừng) đây, con hãy buộc dây mà kéo về. Đến chỗ nào mà gạc vướng, không đi được nữa, thì con hãy lấy chỗ đất ấy mà khai khẩn làm ăn, về sau sẽ khá”.

Nói xong, con nai húc đầu vào thân cây cho rụng gạc ra. Rồi nai biến mất vào rừng sâu. Người con trai vâng lời, làm theo nai dặn. Quả nhiên, về sau được sung túc. Người đời khi biết chuyện, đã gọi người tiều phu hoá nai là Lộc Giác Chân Nhân, cho rằng ông đã tu luyện được thành tiên.

Truyện thai giáo tháng thứ 7 – câu chuyện số 6

Chiếc vỏ sành và chiếc bình bạc

Ngày xưa, có một người đàn bà goá sống cùng hai con gái. Cô con gái lớn giống mẹ cả về tướng mạo lẫn tính tình, có thể nói là nhìn cô ta cũng như nhìn thấy mẹ cô ta vậy. Cả hai đều chẳng được ai ưa bởi vì chỉ vơ vào phần mình, lại ngạo mạn, vô lễ. Cô con gái út thì giống như người cha đã khuất của cô, dịu dàng, thành thực, lại xinh đẹp hiếm thấy.

Tục ngữ có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” (Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa), người đàn bà goá đó yêu cô con gái lớn tới mức cuồng si, còn thì ghẻ lạnh, tàn ác đối với cô con gái út. Cô út đã phải lo cơm nước, lại còn bị sai đủ việc, cứ quần quật cả ngày.

Khiến người ta phẫn nộ bất bình là dù còn nhỏ vậy, mỗi ngày cô út phải hai lần vác chiếc vò sành to, đi xa bốn năm dặm đường để lấy nước về nhà.

Một hôm, cô út đang múc nước bên suối, một bà lão ăn mày tới hỏi cô xin uống nước,

– Vâng! Mời bà uống nhé! Cô nhanh nhảu nói, rồi lập tức rửa chiếc vò sành mấy lần, chọn nơi nước suối trong trẻo để múc nước, mời bà lão uống để bà lão đỡ mệt, cô út cứ nâng chiếc vò sành cho tới khi bà lão uống nước xong. Bà lão hiền từ đó uống nước xong, nói với cô út:

– Cháu nhỏ, cháu xinh đẹp, lương thiện, thành thực như vậy, quả đáng cho mọi người yêu quý! Ta quyết định tặng cho cháu một món quà. Kỳ thực, đó không phải là quà, mà là một khả năng hiếm thấy: từ bây giờ trở đi, mỗi khi cháu nói một câu, đều có một đoá hoa hoặc một viên đá quý tuôn ra từ miệng cháu!

Nguyên bà lão nghèo khổ đó là một vị tiên nữ có pháp lực vô song cải trang để thử xem tấm lòng của cô út ra sao. Cô út trở về nhà. Người mẹ rít lên chửi là cô đã về chậm, nói đủ điều rất khó nghe.

– Con xin lỗi mẹ! Từ nay con sẽ cố về sớm ạ! – Cô út nói.

Kỳ lạ là cô vừa nói xong thì từ trong miệng tuôn ra một đoá hoa hồng và một viên đá quý.

– Ôi! Thượng Đế! Mồm mày làm sao lại phun ra đoá hoa và đá quý thế này? – Người mẹ hết sức kinh ngạc. Rồi lần đầu tiên trong đời, cô út thấy bà tươi cười, thân thiết, hỏi:

– Con gái! Những thứ này là từ đâu mà có thế?

Cô út thành thật kể rõ từng ly từng tí toàn bộ việc xảy ra với người mẹ, đồng thời từ miệng cô lại lăn ra mấy viên đá quý. Người mẹ nghĩ: “Việc hay thế này nên cho con gái lớn đi làm thử xem sao!”.

Thế là bà ta gọi cô con gái lớn đến, nói:

– Xem này, con! Em con mỗi khi nói, miệng đều nhả ngọc phun châu nhiều như vậy, lẽ nào con lại không có tài năng như vậy? Con chỉ cần tới suối kín nước, khi thấy bà lão ăn mày xin nước uống, thì cho bà lão uống nước là được thôi mà!

– Đợi một lát con đi! Con còn phải tận mắt xem đứa em có tài ra sao đã! – Cô gái lớn lười nhác đã quen, trả lời.

– Không! Phải đi ngay lập tức, con gái quý yêu của mẹ – Bà mẹ thúc giục. Cô gái lớn tới suối nước. Nhưng cô ta vừa đi vừa càu nhàu và không phải mang theo chiếc vò sành to mà là một chiếc bình bạc đẹp nhất trong nhà.

Vừa tới suối nước, cô nhìn thấy một quý phu nhân mặc đồ thêu kim tuyến, cổ đeo đầy vàng bạc bước ra từ trong rừng cây, hỏi xin cô ta cho uống nước. Kỳ thực, đó vẫn là vị tiên nữ đã xuất hiện lần trước , nhưng cải trang như vậy để thử xem cô lớn kiêu ngạo, vô lễ tới mức nào.

– Lẽ nào tôi tới đây là để cho bà uống nước sao? Tôi đến là xin bà lão ăn mày cái tài nhả ngọc, phun châu mỗi khi nói. Đương nhiên, vì tôi có mang theo một cái bình bạc nên bà muốn uống nước thì tự mình múc lấy mà uống! – Cô lớn sừng sộ nói

– A! mi chẳng có một chút nhỏ đáng yêu nào cả! A, mi đã muốn xin một món quà thì ta cũng cho mi một khả năng hiếm thấy nhé. Từ lúc này trở đi , hễ mi nói một câu thì từ mồm mi sẽ chui ra mà con rắn hoặc mấy con rết! Tiên nữ giận dữ nói.

Nói xong, chỉ chớp mắt, tiên nữ đã không thấy đâu nữa!

Ở nhà sốt ruột đợi con gái lớn, người mẹ đi tìm. Từ xa, bà ta đã gọi:

– Con quý hoá ơi, con ở đâu?

– Mẹ! Con ở đây! Cô gái lớn gắt gỏng trả lời và lập tức từ miệng cô ta bỏ ra hai con rắn độc và hai con rết:

– Ôi trời ơi! – Người mẹ bước tới trước mặt cô con gái lớn, la hoảng lên:

– Tôi nhìn thấy ma quỷ! Đây đúng là do con út đáng chết gây ra đây! Ta quyết không tha cho nó!

Nói xong, bà ta quay ngay về nhà hòng tuốt xác cô con gái út. Nhưng cô gái út đã được vị tiên nữ báo tin, nên sớm ra nấp ở một vạt rừng gần đấy rồi.

Một vị hoàng tử đi sắn bất ngờ gặp cô gái út đó. Vừa nhìn thấy cô đẹp mê hồn như vậy, hoàng tử đã đem lòng yêu mến, thân thiết hỏi cô vì sao lại một mình ở đấy, mặt máy ủ ê buồn rầu.

– Cảm ơn Ngài! Là do mẹ tôi đuổi tôi ra khỏi nhà! – Cô út trả lời.

Hoàng tử nhìn thấy từ miệng cô tuôn ra năm sáu hạt trân châu, đá quý thì hỏi là những thứ đó ở đâu ra. Cô út kể lại toàn bộ cuộc gặp kỳ lạ với bà lão ăn xin. Hoàng tử càng vui mừng, lập tức đưa cô út về hoàng cung, bái kiến vua cha rồi cưới cô út làm vợ.

Thế còn cô gái lớn vô giáo dục thì sao? Do cô gái lớn cứ tuôn ra rắn rết nên người mẹ cũng hãi hùng, phải đuổi cô ta ra khỏi nhà. Nghe nói không lâu sau, cô ta bị đói mà chết ở trong rừng sâu.

Trên đây là những mẩu truyện thai giáo tháng thứ 7 dành cho bé phát triển trí thông minh ngay từ trong bụng mẹ. Chúc mẹ có những giây phút thư giãn cùng bé yêu cũng như đừng quên đăng ký kênh Trần Thảo Vi để đón xem các video truyện thai giáo mới nhất nhé.