Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu tuyệt đối không nên bỏ qua

Có thể nói mang thai là quãng thời gian hạnh phúc nhất đối với người phụ nữ. Lúc này, ai ai cũng mong muốn biết về sự phát triển của thai nhi trong bụng mình. Vì thế mà các mốc khám thai quan trọng luôn được các mẹ bầu quan tâm. Hãy cùng Care With Love tìm hiểu về tầm quan trọng của việc khám thai, các mốc khám thai quan trọng và những điều cần lưu ý qua bài viết dưới đây.

Khám thai định kỳ là gì?

Khám thai định kỳ là hình thức kiểm tra, theo dõi sự phát triển của thai nhi, giúp phát hiện những bất thường ở thai phụ hoặc thai nhi để xử lý kịp thời. Qua đó mẹ bầu biết được tình trạng phát triển của con mình, cách dưỡng thai cũng như cách chăm sóc sức khỏe của mẹ để có được thai kỳ khỏe mạnh.

Khám thai định kỳ là gì?
Khám thai định kỳ là gì?

Thông thường, khi khám thai định kỳ mẹ bầu sẽ được:

  • Khám tổng thể sức khỏe
  • Được siêu âm thai
  • Được làm một số xét nghiệm cần thiết ở mỗi giai đoạn của thai kỳ
  • Bác sĩ giải đáp tất cả các thắc mắc, tư vấn cách thức giúp bảo vệ tốt nhất cho cả mẹ và bé

Xem thêm: Top 5+ Xét nghiệm thai kỳ quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua

Tầm quan trọng của khám thai không nên bỏ qua

Khám thai định kỳ có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết đối với thai phụ vì:

  • Giúp mẹ bầu biết được thai nhi đang phát triển như thế nào
  • Mẹ bầu sẽ được bác sĩ giải đáp tất cả các thắc mắc có liên quan đến thai kỳ, tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp và những điều cần tránh giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh nhất
  • Thực hiện xét nghiệm định kỳ dễ dàng phát hiện bất thường sức khỏe của thai phụ và cả thai nhi
  • Giảm thiểu nguy cơ thai lưu và co thai bất thường.

Các mốc khám thai quan trọng các mẹ cần nhớ

Đối với người mẹ và thai nhi thì thời gian khám thai lần đầu rất quan trọng. Mẹ bầu cần ghi nhớ 10 mốc khám thai quan trọng để chủ động đi khám đúng lịch, phát hiện các bất thường kịp thời nhất.

Mốc đầu tiên: Thường sau trễ kinh 2-3 tuần

Sau khi chậm kinh từ 2-3 tuần được coi là một trong những mốc khám thai quan trọng nhất. Ở lần khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ thực hiện một số đánh giá sau:

  • Mốc khám thai đầu tiên
    Mốc khám thai đầu tiên

    Kiểm tra cân nặng, chiều cao từ đó tính được chỉ số BMI của cơ thể. Qua đó đánh giá được tình trạng thừa cân, béo phì hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ cách kiểm soát cân nặng khi mang thai để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

  • Kiểm tra tim mạch, huyết áp, phổi; đánh giá tổng quan bệnh lý nội, ngoại khoa.
  • Thực hiện siêu âm để xác định vị trí túi thai và tình trạng thai, xem thai có nằm ngoài tử cung, thai trứng, đa thai, dọa sảy hay thai lưu… không.
  • Tính tuổi của thai nhi và dự kiến ngày sinh.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh như viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS, Rubella, giang mai… Và xét nghiệm công thức máu, nhóm máu, yếu tố Rhesus, phân tích nước tiểu. (với trường hợp có tiền sử sảy thai liên tiếp cần xét nghiệm thêm CMV, Toxoplasma).

Tại lần khám thai này, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu cách bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết khi mang thai, tư vấn lối sống, dặn dò các loại thực phẩm, các loại thuốc cần tránh.

Mốc thứ hai: từ 11 – 13 tuần 6 ngày

  • Bác sĩ vẫn kiểm tra cân nặng, huyết áp và xét nghiệm nước tiểu, đánh giá sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
  • Bác sĩ siêu âm đo độ mờ da gáy, chỉ số xung (PI) động mạch tử cung, kiểm tra các bất thường ở tuần tuổi này như thai vô sọ, bàng quang lớn, thoát vị rốn…
  • Xét nghiệm Double test sàng lọc lệch bội nhiễm Hội chứng Down (Trisomy 21), Hội chứng Patau (Trisomy 13), Hội chứng Edwards (Trisomy 18). Đối với trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn xét nghiệm sinh thiết gai nhau hoặc NIPT (xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn). Ưu điểm của NIPT là không xâm lấn, hoàn toàn không gây hại cho thai nhi, có thể thực hiện sớm từ tuần thứ 8.
  • Đánh giá nguy cơ tiền sản giật bằng xét nghiệm máu PLGF.
Mốc thứ hai: từ 11 – 13 tuần 6 ngày
Mốc thứ hai: từ 11 – 13 tuần 6 ngày

Mốc thứ ba: từ 14 – 22 tuần

  • Bác sĩ đo huyết áp, kiểm tra cân nặng.
  • Bác sĩ đo bề cao của tử cung để theo dõi tình trạng phát triển của thai, nghe tim thai.
  • Xét nghiệm mẫu nước tiểu.
  • Nếu mẹ bầu chưa thực hiện sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể trong 3 tháng đầu thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện Triple test khi thai ở 15-18 tuần tuổi.
  • Khám hội chẩn tiền sản cho mẹ bầu có kết quả sàng lọc thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc thai có phát hiện bất thường khi siêu âm.
  • Phát hiện bất thường ở mẹ: hở eo tử cung, tiền sản giật, dọa sảy do thai to hoặc dọa sinh non.
  • Tiêm vacxin phòng bệnh uốn ván mũi đầu tiên.

Mốc thứ tư: từ 22 – 28 tuần

  • Bác sĩ tiến hành đo huyết áp, kiểm tra cân nặng.
  • Đo bề dày tử cung để theo dõi sự phát triển của thai, nghe tim thai.
  • Xét nghiệm mẫu nước tiểu.
  • Siêu âm 4D tầm soát bất thường về tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận… và kiểm tra lượng nước ối, vị trí bám của nhau thai.
  • Tầm soát đái tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp đường từ tuổi thai 24-28 tuần tuổi.
  • Tiêm phòng vacxin uốn ván mũi 2, nên tiêm cách mũi 1 và trước sinh tối thiểu 1 tháng.

Mốc thứ năm: từ 28 – 32 tuần

  • Kiểm tra huyết áp, cân nặng.
  • Đo bề dày tử cung theo dõi tình trạng phát triển của thai, nghe tim thai.
  • Tiến hành xét nghiệm mẫu nước tiểu.
  • Siêu âm Doppler màu đối với các trường hợp: nghi ngờ thai chậm phát triển (mẹ chậm tăng cân, bề cao tử cung, các số đo sinh học của thai không tăng sau 2 tuần); huyết áp thai kỳ tăng; song thai một bánh nhau; tiểu đường thai kỳ (nên siêu âm lại sau mỗi 2 tuần hoặc khi có chỉ định).
  • Siêu âm tối thiểu 1 lần khi thai 32 tuần tuổi để xác định ngôi thai, lượng nước ối, vị trí bánh nhau và sự phát triển của thai. Ở lần siêu âm này sẽ phát hiện được các bất thường khởi phát muộn như tắc ruột, nhiễm trùng bào thai hay giãn não thất…
Mốc khám thai thứ năm
Mốc khám thai thứ năm

Mốc thứ sáu và bảy: từ 32 – 36 tuần

  • Giai đoạn này thai phụ nên khám thai mỗi 2 tuần 1 lần.
  • Kiểm tra huyết áp, cân nặng.
  • Đo bề dày của tử cung, theo dõi sự phát triển của thai nhi, nghe tim thai.
  • Xét nghiệm mẫu nước tiểu.
  • Hướng dẫn mẹ bầu cách đếm cử động thai.
  • Đánh giá sức khỏe thai nhi bằng xét nghiệm Non-stress test.

Mốc thứ tám, chín và mười: từ tuần 36-39

Giai đoạn cuối này, mẹ bầu nên khám thai mỗi tuần 1 lần.

  • Ngoài phần khám tương tự ở 3 tháng giữa thai kỳ, từ tuần thứ 36 trở đi, bác sĩ sẽ xác định thêm ngôi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, đánh giá khung chậu, khả năng sinh thường hay sinh khó.
  • Mẹ bầu được hướng dẫn đếm cử động thai, cần nhập viện ngay nếu có triệu chứng bất thường như ra nước ối, huyết âm đạo, đau bụng từng cơn, phù hay nhức đầu chóng mặt…
  • Mẹ bầu được hướng dẫn nhận biết dấu hiệu chuyển dạ để nhập viện kịp thời.
Khám thai giai đoạn cuối
Khám thai giai đoạn cuối

Tìm hiểu: Xét nghiệm gen trước khi mang thai bao nhiêu tiền và lưu ý cần biết

Khi đi khám thai, mẹ bầu cần lưu ý gì?

Để buổi đi khám thai được suôn sẻ, mẹ bầu cần lưu ý những điểm sau:

Kiểm tra lịch hẹn khám thai

Mỗi mẹ bầu thường sẽ chọn cho mình một bác sĩ riêng, đồng hành trong suốt thời gian thai kỳ và được sắp xếp lịch khám thai theo định kỳ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ có việc đột xuất và nghỉ khám, nên mẹ cần xác nhận lại lịch khám trước ngày hẹn để đảm bảo gặp được đúng bác sĩ nhé.

Các loại giấy tờ khám thai

  • Giấy xác nhận khám thai: giấy này chỉ được bệnh viện cấp giờ hành chính nên mẹ đừng quên xin giấy để được tính lương khi xin nghỉ đi khám thai.
  • Mang đủ hồ sơ khám thai, kết quả xét nghiệm: cần giữ lại hồ sơ từ các lần khám trước cùng kết quả xét nghiệm trong một túi để dễ tìm và mang theo.

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ

Mẹ bầu không nên sử dụng nước hoa quá nồng và hãy nhớ vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi đến khám, đặc biệt là vùng kín. Mẹ có thể lót một lớp băng mỏng để tránh gặp sự cố khiến mẹ “són” ra quần lót.

Mặc các trang phục thoải mái và đi giày bệt

Tùy vào hình thức siêu âm mà mẹ sẽ chọn trang phục phù hợp. Nếu siêu âm đầu dò mẹ nên mặc váy co giãn. Nếu siêu âm bụng mẹ nên mặc quần rộng rãi, cạp thấp để kéo xuống dễ dàng mà không cần thay đồ. Ngoài ra mẹ bầu nên mang giày bệt nhẹ nhàng, giúp mẹ dễ dàng tháo ra, di chuyển giữa các khu khám.

Mẹ bầu cần mặc đồ thoải mái khi đi khám thai
Mẹ bầu cần mặc đồ thoải mái khi đi khám thai

Uống nhiều nước và đi vệ sinh trước khi vào siêu âm

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu sẽ được yêu cầu uống thật nhiều nước trước khi siêu âm để làm đầy bàng quang, giúp đẩy tử cung cao lên, nhờ đó sẽ dễ dàng nhìn thấy em bé hơn. Còn trong hai tam cá nguyệt sau, bé đã lớn hơn, lúc này mẹ bầu cần đi tiểu trước khi siêu âm để làm trống bàng quang, sẽ nhìn thấy bé dễ hơn.

Tìm hiểu: Mẹ bầu nên biết: Thai 32 tuần cần xét nghiệm những gì?

Ăn uống trước khi khám

Trước khi khám thai, mẹ bầu cần tránh sử dụng chất kích thích. Nếu có lịch kiểm tra đường huyết, mẹ cần nhịn đói theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu đo tim thai hoặc siêu âm 4D, mẹ cần ăn lo để bé máy đạp. Ngoài ra, mẹ có thể đem theo sữa, bánh ngọt, nước để ăn trong lúc chờ đợi hoặc sau khi khám xong, tránh mất sức đột ngột.

Các triệu chứng mẹ bầu cần nhập viện ngay

  • Thường xuyên ra huyết âm đạo.
  • Đau bụng ở giai đoạn thai lớn là dấu hiệu của dọa sinh non, đau bụng ở giai đoạn cuối thai kỳ, đau 2-3 cơn/tiếng và đau không ngưng thì là dấu hiệu chuẩn bị sinh cần nhập viện ngay.
  • Vùng âm đạo ra nhiều nước.
  • Bé máy yếu, trong vòng 2 giờ mà ít hơn 10 lần.
  • Gần đến ngày chuẩn bị sinh.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp mẹ bầu nắm được các mốc khám thai quan trọng, những lưu ý khi đi khám thai và các triệu chứng cần nhập viện gấp. Mong rằng mẹ bầu sẽ có lộ trình chăm sóc thai nhi và bản thân thật tốt để chuẩn bị chào đón thiên thần của mình.

Ngoài ra, mẹ bầu có thể tham khảo và sử dụng ngay các dịch vụ của Care With Love như massage, yoga ngay từ khi mang thai. Như vậy, giúp mẹ duy trì sức khỏe tốt và giúp thai phát triển toàn diện. Liên hệ với chúng tôi qua các thông tin dưới đây:

Care With Love

  • Hotline: 0939 93 93 53
  • Email: info@carewithlove.com.vn
  • Website: carewithlove.com.vn