Hạn chế tình trạng rạn da khi mang bầu
1. Tập thể dục
Trước khi mang thai, mẹ bầu nên chú ý tập một vài môn thể thao hoặc động tác thể dục có tác dụng tăng cường độ đàn hồi cho da và cơ bụng như bơi lội, yoga… Đến khi sinh bé xong, qua thời gian ở cữ, tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể mà các bà mẹ tiếp tục duy trì các bài vận động phù hợp theo sự tư vấn của bác sĩ như đi bộ, bơi lội, các bài tập thể dục hoặc Yoga cho bà bầu.
Một điều nên biết là ngay trong 9 tháng mang thai, việc vận động theo các bài tập thể thao dành cho bà bầu không chỉ giúp bà bầu ngăn ngừa vết rạn da khi mang bầu mà còn có lợi cho các cơ, thúc đẩy quá trình sinh nở tự nhiên trở nên thuận lợi hơn.
2. Kiểm soát cân nặng
Mẹ bầu tăng cân quá mức vừa làm xuất hiện nhiều vết rạn da vừa có hại cho sức khỏe của thai nhi. Vì thế, việc tăng cân ổn định trong thai kỳ là rất quan trọng.
Theo các bác sĩ, trong ba tháng đầu mang thai, người mẹ chỉ nên tăng 1 – 2 kg; bốn tháng tiếp sau đó, mỗi tuần tăng khoảng 0,5 kg. Mẹ bầu nên sắm một chiếc cân để có thể kiểm tra cân nặng tại nhà, đồng thời lập đồ thị trọng lượng cơ thể để có thể kiểm soát được mức tăng của cơ thể.
3. Chú ý đến chế độ ăn uống khi mang thai
Ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ bầu cần có tính cân bằng, ăn ba bữa đúng giờ, có quy luật. Mẹ bầu nên ăn nhiều rau và trái cây. Không nên ăn quá nhanh vì không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Ngoài ra, mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ béo, đồ ngọt.
4. Đừng quên massage để hạn chế rạn da khi mang bầu
Lợi ích không thể phủ nhận của việc massage khi mang thai là tăng độ đàn hồi cho da và ngăn ngừa vết rạn da. Thường thường, mẹ bầu có thể tiến hành massage khi thai kỳ bước vào tháng thứ tư, kéo dài liên tục cho đến sau sinh 3 tháng.
Mẹ bầu có thể xoa vào tay một ít dầu ô liu, dầu dừa hoặc dầu giữ ẩm cho da em bé rồi massage nhẹ nhàng quanh vùng bụng, đùi và ngực. Đối với vùng bụng, bắt đầu từ rốn xoa nhẹ tay theo chiều kim đồng hồ và lan rộng ra xung quanh. Massage đùi thì bắt đầu từ đầu gối ngược lên phía đùi và hông. Ở ngực, dùng cả hai tay massage đồng thời ở hai bên theo chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài cho đến khi chạm gần cổ.
Mỗi lần massage bầu thường kéo dài trong 10 – 20 phút, hai lần mỗi ngày. Các tuần cuối thai kỳ có thể tăng số lần massage.