Băn khoăn của bà bầu nghén
Ốm nghén hay còn gọi là nghén, thai hành. Là triệu chứng phổ biến của bà bầu vào khoảng cuối tháng đầu khi mang thai kéo dài 6-12 tuần, có bà bầu nghén nhẹ, có bà bầu nghén nặng đôi lúc cần phải nhập viện để điều trị. Triệu chứng nghén bao gồm khó chịu trong người, buồn nôn, nôn, không muốn ăn, thèm chua, có người thèm ngọt…
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, có đến 90% phụ nữ trong giai đoạn mang thai phải chịu đựng cảm giác khó chịu do ốm nghén hoành hành. Dưới đây là những băn khoăn thường gặp về chuyện bà bầu nghén.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng bà bầu nghén
Nghén là một hiện tượng thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ và gặp ở hầu hết mọi phụ nữ khi mang thai, nhưng mức độ nghén của từng bà bầu thì khác nhau. Thông thường mang thai con so nghén nặng hơn con dạ.
Cho đến hiện tại chưa tìm thấy nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này, nhưng phần lớn các giả thuyết đều cho đó là do sự thay đổi của nội tiết trong cơ thể của bà bầu. Em bé tuy là con bạn, nhưng lại là một vật lạ đối với người mẹ nên hệ thống miễn dịch của người mẹ sản sinh ra những chất chống lại thai nhi mà biểu hiện bằng những triệu chứng nghén. Tuy nhiên, vì thai nhi có một phần là của người mẹ cho nên dần dần cơ thể mẹ chấp nhận sự hiện diện của thai nhi và quen dần. Cũng có những trường hợp phản ứng rất mạnh mẽ, gây nên tình trạng nghén kéo dài trong suốt thai kỳ.
Nghén có ảnh hưởng đến yếu tố thông minh của trẻ?
Một số bà bầu cho rằng, càng ốm nghén nặng thì con sinh ra sẽ càng thông minh vì cơ thể bà bầu nghén tiết ra một loại hocmon giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch ở trẻ và giảm khả năng sảy thai. Đặc biệt hóc môn này được biết cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não em bé trong giai đoạn này.
Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ): Nghén không hề ảnh hưởng đến sự thông minh của trẻ. Sự thông minh của 1 đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như dinh dưỡng, di truyền và giáo dục của gia đình và xã hội, môi trường sống. Để hỗ trợ cho em bé phát triển toàn diện và thông minh bà bầu nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn ngủ điều độ đúng giờ, tinh thần bà bầu luôn thoải mái, tránh stress.
Bước qua chồng, sẽ giúp bà bầu không còn bị nghén?
Nhiều bà bầu nghén truyền tai nhau kinh nghiệm để bớt nghén rằng, hãy đợi chồng ngủ say, rồi bước qua chồng nhưng đừng bước lại mà phải đi lên từ cuối giường, sao cho chồng không hề hay biết, thì mới hiệu nghiệm. Sau đó, chồng sẽ mệt mỏi và buồn ngủ cả ngày, chồng luôn trong tình trạng thèm ngủ và còn thích ăn đồ chua, thích ăn vặt nữa chứ, còn chứng ốm nghén của bà bầu giảm hẳn, khỏe re mà còn ăn uống được nhiều và ngon miệng. Hiện tượng này, còn gọi là chồng nghén thay vợ.
Nghén, ăn một loại đồ ăn thèm vời số lượng rất nhiều, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Bà bầu có thể ăn nhiều bất kỳ thức ăn mà bà bầu thèm nhưng nên chia nhiều lần trong ngày để tránh đầy bụng khó tiêu và phải lưu ý là thức ăn đó đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây nổi mề đay hay dị ứng, dễ tiêu và không gây rối loạn tiêu hóa…
Nghén nặng, mệt mỏi hay ngất xỉu, phải làm sao?
Nếu bà bầu bị nôn nhiều, không ăn uống được sẽ không đủ chất cung cấp nuôi dưỡng cho cơ thể bạn và em bé. Ngoài ra, việc bị nôn nhiều, ăn ít, thậm chí không ăn được nên nếu kéo dài, cơ thể bà bầu sẽ bị mất nước, thiếu chất dinh dưỡng, chất điện giải, dẫn đến suy kiệt, sút cân, ảnh hưởng tới cả thai nhi. Thường những trường hợp này cần bù lại nước, điện giải và bác sĩ có thể cho một số loại thuốc giảm nghén. Nếu tình trạng nghén quá nặng, không thể ăn, uống gì được mà nôn liên tục, bà bầu cần nhập viện để được các bác sĩ điều trị tích cực.
Chứng nghén HG là gì?
Thông thường, bà bầu bị ốm nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Sau khoảng thời gian này, mọi chuyện sẽ ổn định bình thường nhưng có 1-3% bà bầu mắc phải hội chứng nghén nặng (HG).
Triệu chứng hội chứng nghén HG, bà bầu nghén liên tục từ khi mang thai cho đến lúc sinh nở. Bà bầu sẽ liên tục nôn oẹ, không ăn uống được gì và sút cân nhanh chóng. Một số trường hợp gây nguy hiểm cho thai nhi, vì bà bầu không thể ăn uống mà không bị nôn, dẫn tới hiện tượng suy nhược cơ thế do thiếu dinh dưỡng và mất nước nghiêm trọng.
Trẻ sơ sinh có mẹ bị HG có thể sinh non hoặc nhẹ cân. Thậm chí có những tiên lượng xấu. Tuy nhiên, các bác sĩ đều cho rằng, nếu bị ốm nghẹn nặng mà bà bầu được theo dõi và điều trị đúng thì mọi chuyện vẫn an toàn.
Chế độ ăn dành cho bà bầu nghén?
Bà bầu nghén có thể hạn chế hiện tượng nôn ói, buồn nôn, ốm nghén bằng những cách thông dụng sau:
– Ăn ít thực phẩm và chia thành nhiều bữa trong ngày, ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu.
– Tránh xa các loại thực phẩm kích thích dạ dày như chất béo, đồ chiên, đồ có mùi khó chịu.
– Ăn uống những thực phẩm có chứa gừng, hoặc ngậm những lát gừng tươi cũng giảm được chứng nôn ói.
– Uống nhiều nước
– Tránh thức ăn và mùi làm bạn tăng cảm giác buồn nôn. Tránh ngửi mùi làm bạn khó chịu.
– Tránh các loại thức ăn như: Khoai tây chiên, nước có ga, gia vị cay, hương liệu, thực phẩm giàu chất béo như bánh bơ, đậu phộng, váng sữa, sữa nguyên phomat..đặc biệt là bò khô. Ăn nhiều thịt bò khô có khả năng nhiễm khuẩn toxoplasmosis khi mang thai. Đây là một loại khuẩn có thể không gây hại cho bà bầu nhưng lại đặc biệt nguy hiểm với thai nhi. Nếu nhiễm toxoplasmosis trong giai đoạn đầu mang thai, bà bầu có nguy cơ bị sảy thai hoặc khiến bé dễ bị suy giảm chức năng não và mắt.
Chế độ luyện tập dành cho bà bầu nghén
– Thường xuyên nghỉ ngơi và ngủ trưa trong ngày
– Tránh những nơi ấm, nóng, đông đúc nhiều người như chợ búa, chợ hải sản, lễ hội…
– Hít hương chanh hay gừng, uống nước chanh, hoặc ăn các loại trái cây, rau quả chứa nhiều nước (dưa hấu, cà chua, nho, dâu, bưởi, cam, chanh…) để giảm cảm giác buồn nôn.
– Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn
– Massage, tập yoga…giữ cho tinh thần luôn thư giãn.