Khám thai định kì
Quá trình mang thai và làm mẹ là một trong những thay đổi thú vị nhất trong cuộc đời người phụ nữ, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Đối với những bà mẹ mang thai lần đầu thì việc đi khám thai là hết sức quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và sự phát triển của bé. Chính vì vậy, mà việc đi khám thai khi nào, khám ở đâu và khám như thế nào, luôn làm các chị em phụ nữ phải lo lắng, băn khoăn. Sau đây hãy cùng Care with Love giải tỏa nỗi băn khoăn, lo lắng ấy.
Phụ mang thai nên đi khám thai lần đầu khi nào là tốt nhất
Để biết là mình có thai hay không, cũng như đảm bảo sự tồn tại và phát triển của thai nhi thật khỏe mạnh thì chị em phụ nữ nên đi khám thai ngay khi bạn nhận thấy các triệu chứng chứng tỏ mình mang thai như: ngực bạn to hơn bình thường, thân nhiệt cơ thể tăng lên. Đi tiểu nhiều lần, trong khi bạn không hề uống nhiều nước, đau lưng, chóng mặt, buồn nôn.
Những món ăn vốn là “món ruột” bây giờ sẽ có cảm giác ngán và không muốn ăn thậm chí là ngửi mùi cũng thấy “ghê” nơi cuống họng. Tâm trạng thay đổi thất thường, lúc vui lúc cáu kỉnh và có vẻ khó tính hơn. Đặc biệt là nếu tháng ấy chu kỳ kinh nguyệt của bạn bị chậm từ 1 đến 2 tuần, hoặc khi dùng que thử thai thì xuất hiện 2 vạch hồng,…
Lịch đi khám thai định kỳ
Theo lời khuyên của các bác sĩ thì các mẹ nên đi khám thai ngay khi nhận thấy các dấu hiệu mang thai. Cùng Care With Love theo dõi chu kỳ khám thai của các mẹ như sau:
Giai đoạn 1: Đi khám thai từ khi bạn mang thai đến 13 tuần 6 ngày
Giai đoạn này bạn nên đi khám thai 2 lần:
Lần đầu là ngay khi bạn nhận thấy dấu hiệu dường như mình đang mang thai. Việc đi khám thai ngay từ khi bạn nhận thấy dấu hiệu mình mang thai là điều rất tốt, để biết được bạn đã được lên chức mẹ chưa? Và điều quan trọng hơn là việc chuẩn đoán được thai nhi đang nằm trong bụng bạn có hình thành và sẽ phát triển bình thường hay không hay gặp một số vấn đề thường xảy ra như: thai nằm ngoài tử cung, không có tim thai,… điều này giúp các bác sĩ có biện pháp xử lý sớm trước khi quá muộn.
Lần thứ 2 là khi thai nhi phát triển được khoảng 11 đến 13 tuần 6 ngày. Sự tăng trưởng của thai nhi thời kỳ này là rất nhanh, và cơ thể người mẹ cũng dần thay đổi để quen dần với sự có mặt của bé yêu. Tuy nhiên đây cũng là thời gian mà các bà mẹ nên cẩn thận, bởi lẽ 1 tác động nhỏ nào từ bên ngoài cũng dễ dẫn đến hiện tượng xảy thai. Vì vậy, thời gian này các mẹ không nên bỏ qua việc đi khám thai, để đảm bảo rằng con bạn vẫn đang lớn lên từng ngày và không mắc phải những dị tật cũng như gặp phải những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Giai đoạn 2: Đi khám thai từ tuần thứ 14 đến 32
Giai đoạn này các mẹ nên đi khám thai mỗi tháng 1 lần, điều này sẽ giúp các mẹ yên tâm hơn về sức khỏe và sự phát triển của bé yêu. Khi đi khám thai mỗi tháng 1 lần sẽ giúp các mẹ điều chỉnh cách ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp tránh tình trạng thai nhi quá lớn hoặc hiện tượng suy dinh dưỡng trong thai kỳ.
Giai đoạn 3: Đi khám thai từ tuần 32 đến khi bạn sinh con
Thời kỳ này các mẹ nên đi khám thai mỗi tuần 1 lần. Giai đoạn này cơ thể thai nhi đã gần như phát triển hoàn thiện, bạn cũng đã cảm nhận được cử động của thai nhi. Đi khám thai thời gian này không những giúp bạn kiểm tra được sức khỏe của thai nhi mà hầu hết các mẹ đều cảm thấy hạnh phúc khi đi khám thai, các mẹ được tận mắt nhìn thấy con mình đang lớn lên từng ngày ngay trong bụng mình. Một cảm giác hết sức thiêng liêng mà không từ ngữ nào diễn tả hết.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên chủ động đi khám thai khi thấy có những dấu hiệu bất thường như: ra huyết âm đạo hay huyết trắng nhiều, sưng phù tay, chân, mặt hoặc phù toàn thân. Nhức đầu dai dẳng , hiện tượng mờ mắt, đau bụng và nôn ói nhiều. Lượng nước tiểu giảm và tăng cân đột ngột, bụng giảm kích thước.
Các mẹ nên chuẩn bị những gì trước khi đi khám thai
Trước khi đến khám thai, điều quan trọng là các mẹ cần chuẩn bị cho mình tinh thần thật tốt. Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng có thể chuẩn bị những câu hỏi liên quan đến quá trình mang thai hay những thắc mắc để được bác sĩ giải đáp, tư vấn cũng như cho bạn những lời khuyên bổ ích nhất. Khi đi khám thai các mẹ cũng nên mang theo cho mình 1 cuốn sổ để có thể ghi chép lại những lời khuyên, những vấn đề mà bác sĩ tư vấn, giải đáp.
Khi đi khám thai, bác sĩ khám những gì?
Đây dường như là câu hỏi mà được rất nhiều bà mẹ trẻ, lần đầu mang thai rất quan tâm. Khi đến khám thai, phần lớn câu đầu tiên mà bác sĩ hỏi sẽ là: các mẹ cảm thấy cơ thể thế nào? Tâm trạng ra sao? Và các câu hỏi về chuyên môn để chẩn đoán được tình trạng hiện tại của thai nhi. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cân nặng, huyết áp, nước tiểu, đo vòng bụng. Đặc biệt là thông qua siêu âm thai để kiểm tra vị trí và nhịp tim của thai nhi. Các phần kiểm tra sẽ được thực hiện đầy đủ để theo dõi chặt chẽ tình trạng của mẹ và bé, nếu có biến chứng thì có thể can thiệp kịp thời.