Theo dõi sự bài tiết chất sản dịch
Phụ nữ sau khi sinh dù là trải qua phương pháp sinh mổ hay sinh thường cũng đều gặp hiện tượng chảy máu ra từ âm đạo ( đó là hiện tượng xuất hiện chất sản dịch sau sinh), do khi chuyển dạ, tử cung giãn mở ra để thai nhi chui ra ngoài dễ dàng. Ngay sau khi sinh, tử cung đã bắt đầu hồi phục, các niêm mạc tử cung sẽ hoại tử và bong ra, bên cạnh đó là với những cục máu đông nhỏ từ nơi nhau bám và chất nhầy tử cung, cùng thoát ra ngoài và thường được gọi là chất sản dịch.
Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường sau khi sinh nở, y học thường gọi là quá trình hậu sản. Hậu sản sẽ có đặc điểm khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người, có người ra nhiều, người ra ít, có người ra vài ngày là hết, người lại kéo dài. Do đó sản dịch sau sinh cần được theo dõi cẩn thận vì có thể dẫn đến các biểu hiện bất thường, không tốt cho việc hồi phục sức khỏe của thai phụ.
Sản dịch bao gồm máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung, nhất là từ vùng rau bám; các mảnh ngoại sản mạc; các sản bào; các tế bào biểu mô ở cổ tử cung và âm đạo bị thoái hoá bong ra. Các loại sản dịch:
- Sản dịch màu đỏ giống máu: ra nhiều trong những ngày đầu sau sinh, bản chất là máu, thỉnh thoảng có những cục rất nhỏ.
- Sản dịch sền sệt (dịch loãng): có màu hồng nhạt hoặc nâu nhạt, trong đó lượng máu đã ít dần, phần còn lại là chất dịch cổ tử cung, âm đạo ra nhiều.
- Sản dịch màu trắng: bởi trong đó là một lượng lớn chất hoại tử từ tế bào phần màng, tế bào biểu bì, nhiễm khuẩn và dịch sệt.
Bài tiết sản dịch như thế nào là bình thường?
Sản dịch xuất hiện khoảng 2 – 3 ngày sau sinh và kéo dài ít nhất khoảng 2 tuần, ở một số người có thể kéo dài 4 – 6 tuần sau đó.
Trong vòng 3 ngày đầu, sản dịch thải ra nhiều và thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, sau đó nhạt dần chuyển sang màu hồng hoặc nâu nhạt. Từ khoảng ngày thứ 14 trở đi, sản dịch chỉ còn là một dịch trong, màu trắng, đồng thời lượng sản dịch cũng ít dần cho đến đi hết hẳn.
Thông thường, sản dịch sau sinh không bao giờ có mủ, tuy nhiên khi đi qua âm hộ, âm đạo, sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Sản dịch có mùi tanh nồng, độ pH kiềm, nếu bị nhiễm khuẩn sẽ có mùi hôi. Ở bà mẹ sinh con lần đầu hoặc bà mẹ cho con bú, sản dịch sẽ hết nhanh hơn do tử cung co bóp, hồi phục nhanh hơn. Bên cạnh đó, bà bầu sinh mổ sản dịch thường ít hơn bà bầu sinh thường.
Các dấu hiệu bất thường ở sản dịch sản phụ
- Thường khoảng 3 tuần lễ sau sinh, một số sản phụ có thể bị ra một ít máu qua đường âm đạo, đó là hiện tượng kinh non, đây là vấn đề bình thường do niêm mạc tử cung phục hồi sớm.
- Tuy nhiên, nếu sản dịch ra ngày càng nhiều hoặc sau 6 tuần, sản phụ vẫn thải ra sản dịch có máu, màu đỏ đậm và có mùi hôi thối, sốt 38 – 39oC, bụng dưới căng tức thì nhiều khả năng tử cung bị nhiễm trùng hoặc còn sót nhau trong tử cung.
- Không thấy sản dịch: có thể sản phụ đã mắc phải vấn đề bế sản dịch sau sinh. Bế sản dịch thường xảy ra ở các mẹ nằm nhiều, không đi lại, vận động.
- Khi thấy có những dấu hiệu bất thường, sản phụ cần đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị ngay lập tức. Nếu để kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng xuất huyết âm đạo sau sinh, rất nguy hiểm đối với sản phụ.
Trong việc chăm sóc để sớm hồi phục sức khỏe, các mẹ cũng cần lưu ý, theo dõi sự đào thải sản dịch ra khỏi cơ thể, vì qua đó phần nào nhận biết được tình hình sức khỏe, mức độ hồi phục của cơ thể sản phụ, đồng thời đề phòng các nguy cơ nhiễm khuẩn hậu sản, băng huyết, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau.
CARE WITH LOVE luôn sẵn sàng tư vấn chi tiết về gói dịch vụ và thiết kế mức giá hợp lý cho khách hàng. Hãy liên hệ với chúng tôi NGAY HÔM NAY để có thông tin chi tiết!
HOTLINE: 0909568102
ĐIỆN THOẠI: 0838352127 – EXT: 101