Thai giáo dạy con từ trong bụng mẹ

carewithlove_daycontutrongbungme
dạy con từ trong bụng mẹ

Thai giáo có ý nghĩa gì đối với người mẹ 

Dù cho khoa học – công nghệ có phát triển đến đâu, dù xã hội có văn minh đến thế nào đi chăng nữa thì sinh con vẫn là thiên chức của người mẹ và thai giáo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành nhân cách đứa trẻ sau này. Đó là điều mà nhiều người đã trải nghiệm và chứng minh.

 

Ở nước ta, trong các tác phẩm “Gia huấn ca” (Nguyễn Trãi), “Phụ đạo xán nhiên”, “Tọa thảo lương mô” (danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) cũng ghi lại nhiều điều nói về phép giáo dưỡng thai nhi. Danh y Tuệ Tĩnh trong tác phẩm “Nam dược thần hiệu” viết rằng: “Âm dương hòa hợp thì muôn vật sinh, tinh huyết giao cảm thì thai nghén lành… Phàm động vật lúc mới thai nghén cũng giống như thực vật kết hột, cốt được yên lặng ôn hòa thì mới thành được quả… Lấy lai lịch loài người mà nói, thì phép dưỡng thai rất quan trọng, thời kỳ mang thai là rất quan hệ… Cho nên trong lúc thai nghén cần và phải giữ gìn điều dưỡng, không nên xem thường”.

 

Xung quanh ta, ngoài Trung Quốc thì Nhật Bản cũng là nước rất xem trọng thai giáo và phổ biến thai giáo cho toàn dân từ xa xưa. Ở Nhật Bản, các bà mẹ tương lai được sống trong những ngôi nhà chung, đặc biệt tại những nơi có phong cảnh đẹp. Ở đó mẹ và đứa trẻ sắp ra đời được những người phụ nữ có chuyên môn bồi dưỡng về thẩm mỹ và âm nhạc.

 

Còn ở một số nước châu Phi từ thời xa xưa cho đến ngày nay, người ta vẫn cho phụ nữ mang thai tập những vũ điệu chuyên dụng và các bài vận động nhịp nhàng. Trong khi đó, ở các nước phương Tây như Mỹ, Pháp chẳng hạn… cũng có nhiều trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thai giáo. Tại Mỹ, năm 1977, đã thành lập một trường đại học đặc biệt chuyên hướng dẫn thai phụ cách giáo dục thai nhi. Vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, Học viện Sức khỏe Y tế Paris cũng đã làm thí nghiệm về thai giáo. Qua đó, chúng ta thấy rằng, dù là Đông hay Tây cũng đều coi trọng việc dạy con từ trong bụng mẹ.

 

Có lần gặp Giáo sư Trần Văn Khê trong buổi nói chuyện về “Thai giáo và tác dụng của hát ru đối với thai nhi” do Hội Quán các bà mẹ tổ chức. Lần ấy, tôi được nghe kể câu chuyện về chính gia đình ông: “Có lẽ nhờ tiếng sáo của cậu năm, tiếng đàn kìm của ba, tiếng đàn Tỳ Bà của ông nội và tiếng đàn tranh của cô ba từ lúc tôi còn là thai nhi đã giúp tôi thấm nhuần và tràn ngập tình yêu đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Lúc lên 2 tôi đã biết nhảy nhịp theo tiếng đàn của ông nội, lên 6 tuổi đã biết đàn kìm, lên 8 tuổi đã biết đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh và 14 tuổi biết đánh trống nhạc. Và cho đến mãi sau này, tình yêu âm nhạc dân tộc vẫn luôn chảy tràn trong huyết quản đã tiếp tục giữ tôi trên con đường học hỏi, luyện tập, biểu diễn, sưu tầm, phổ biến và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam”.

 

Có lẽ vì thế mà ông cha ta từ xưa có câu “con vào dạ, mạ đi tu”, câu nói này vẫn đúng trong mọi thời. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng: “Mạ là mẹ. Con vào dạ, mạ đi tu là khi “cấn thai” vào lòng tự nhiên người mẹ nào cũng… “đi tu”. Đi tu ở đây không có nghĩa là xuống tóc, vào chùa gõ mõ tụng kinh mà chỉ có nghĩa là sửa mình, thay đổi mình, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Mọi thứ ở người mẹ phải sửa sang, phải “tu chỉnh”, nên mới có câu “con vào dạ, mạ đi tu”. Dù rằng, sửa mình là không dễ. Nhưng một khi có “con vào dạ” rồi thì tự dưng phải sửa thôi.

 

Thực ra, không chỉ “mạ đi tu”, mà người cha cùng cả nhà đi tu với mạ! Vì thế mà dân gian có câu ca dao: “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.

carewithlove_thaigiaodaycontutrongbungme
thời gian dạy con từ trong bụng mẹ

Với trải nghiệm của bà mẹ đã có hai đứa con và là người thường xuyên tổ chức các chuyên đề về thai giáo dành cho các bà bầu, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – Hội trưởng Hội Quán các bà mẹ cho rằng: “Thai giáo là một tiến trình tác động một cách tích cực và lâu dài của cha mẹ nhằm tối ưu hóa sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi. Trong tiến trình đó, cha mẹ đóng vai trò then chốt không thể thay thế được. Họ có mối liên kết ruột thịt, có tình yêu vô bờ bến và trên hết là động lực mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho sinh linh bé nhỏ ngay từ khi chưa chào đời”.

 

Đó cũng là trải nghiệm của Thạc sĩ Phạm Thị Thúy và chị cho rằng, để có một đứa con sáng dạ, khỏe mạnh thì cần phải áp dụng thai giáo trước khi mang thai. Chị biết rằng, âm nhạc có tác dụng tốt đến tâm trạng và tinh thần của con người nên chị đã sớm cho con nghe nhạc từ trong bụng mẹ: “Ngày ấy, tôi chọn mua đĩa nhạc cổ điển Mozart và Beethoven, đặc biệt tôi chọn mua đĩa nhạc có lồng tiếng chim hót rất hay. Có lúc tôi cho con nghe những bài nhạc mình yêu thích như “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Điều giản dị”… Những giai điệu nhẹ nhàng của bài hát khiến lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tinh thần thoải mái, cảm giác thật bình an”.

 

Ông bà ta cũng thường nói: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” nhưng có nhiều người, trong đó có nhà thiết kế – họa sĩ Sĩ Hoàng thì cho rằng, liệu nó có đúng trong mọi trường hợp không. Hay đứa con sinh ra bị ảnh hưởng cảm xúc của người mẹ lúc mang thai. Họa sĩ cho biết rằng, tuy gia đình phía nội và ngoại không có ai làm họa sĩ hay thiết kế nhưng ba anh là một người chơi kèn acmonica rất cừ và mẹ là người có tâm hồn lãng mạn, yêu văn thơ… Có lẽ sự kết duyên của ông bà đã tạo ra tâm hồn đồng điệu về nghệ thuật, nên trong nhà anh sau này có 3 anh em là họa sĩ và các cháu có khả năng cảm thụ cái đẹp rất tốt.

 

Vì thế, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng, thai giáo, các bà mẹ không chỉ chú ý đến dinh dưỡng ngon – lành – sạch, đến tâm sinh lý mà còn quan tâm đến mỹ thuật. Nên thai giáo thông qua thị giác có ý nghĩa rất quan trọng trong hình thành nhân cách đứa trẻ sau này. Họa sĩ Sĩ Hoàng cho rằng, khi mang bầu nên thường xuyên ngắm cảnh đẹp, hình ảnh đẹp, ngay trong bữa ăn của bà bầu cũng phải quan tâm đến màu sắc đẹp, hài hòa sẽ tác động tốt đến tinh thần của bà mẹ mang thai.

 

Trải nghiệm bằng chính cuộc đời mình, Giáo sư Trần Văn Khê đúc kết rằng: “Tôi luôn cho rằng mình vô cùng may mắn vì đã được thai giáo bởi một gia đình có truyền thống âm nhạc”. Như vậy, từ những tri thức, kinh nghiệm ở phương Đông và phương Tây về thai giáo, cùng những trải nghiệm của các bà mẹ thực hành thai giáo và những người thành đạt, nổi tiếng được thai giáo từ trong bụng mẹ; ta thấy rằng, thai giáo có vai trò và vị trí rất quan trọng trong hình thành nhân cách một con người. Đó là điều mà các bà mẹ đã, đang và chuẩn bị làm mẹ nên tìm hiểu và áp dụng trong quá trình mang thai.

 

Nguồn petrotimes.vn