Suy dinh dưỡng ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị
Suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em từ 6 đến 24 tháng tuổi. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tư duy não bộ và thể chất của bé. Cùng Care With Love tìm hiểu ngay những giải pháp giúp bé ăn ngon hơn, khắc phục nguy cơ thiếu hụt và suy giảm dinh dưỡng nhé!
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là một thuật ngữ khoa học chỉ tình trạng các dưỡng chất cần thiết trong cơ thể bị thiếu hụt như protein, vitamin, khoáng chất.
Triệu chứng này có thể gặp phải ở cả người lớn, tuy nhiên tỉ lệ cao hơn lại thường gặp ở trẻ nhỏ.
Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ giảm khả năng giao tiếp, phát triển não bộ và hệ miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn…
Nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng
Có nhiều nguyên nhân khiến bé khó hấp thụ chất dinh dưỡng bao gồm thói quen ăn uống, sinh hoạt và hoàn cảnh sống. Ngoài ra, còn có một số lý do cụ thể như sau:
Bữa ăn nghèo nàn về chất lượng, không đủ dưỡng chất
Đây là nguyên nhân phổ biến của các gia đình ở các nước nghèo. Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình dù có điều kiện tốt nhưng lại chưa đủ sự quan tâm tìm hiểu về bữa ăn cho bé, khiến các bữa ăn trở nên nhạt nhẽo và thiếu dưỡng chất cần thiết.
Khả năng hấp thụ kém do mắc các bệnh tiêu hóa
Một số trẻ mắc phải các bệnh lý về đường ruột, tiêu hóa bẩm sinh khiến bé ăn không ngon, thường xuyên ói mửa ngay sau khi ăn dẫn đến thức ăn chưa kịp chuyển hóa thành dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.
Để giúp bé khắc phục bệnh lý nhiễm trùng hệ tiêu hóa, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và có thể bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột như sữa chua, men vi sinh….Điều đó sẽ giúp bé củng cố dạ dày, ruột và ăn ngon miệng hơn.
Vấn đề về tâm thần
Người lớn bị suy nhược cơ thể, sức ăn kém có thể vì nguyên nhân rối loạn tâm thần, lo âu quá mức. Vậy trẻ em thì sao? Các nghiên cứu cho thấy trẻ vẫn có nguy cơ mắc phải vấn đề về tâm lý gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Ví dụ như khi bị bố mẹ ép ăn uống quá mức, trẻ có tâm lý nặng nề, nhạy cảm và thậm chí sợ hãi với thức ăn. Dần dần những bữa ăn đối với bé sẽ không còn hấp dẫn, bé biếng ăn và bị suy dinh dưỡng.
Trẻ sơ sinh không được bú mẹ
Bé không được bú mẹ trong 6 tháng đầu tiên và được cho ăn dặm quá sớm sẽ có khả năng bị suy dinh dưỡng cao hơn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu với nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp bé phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ ngay từ những ngày đầu. Vì vậy, quan niệm dùng sữa công thức thay cho sữa mẹ là điều không đúng, có thể ảnh hưởng trực tiếp để sức khỏe của bé sau này.
Phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em
Có nhiều cách để phòng tránh suy dinh dưỡng cho bé, gồm có:
- Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài ít nhất 24 tháng. Chỉ nên cân nhắc dùng sữa công thức hoặc ăn dặm khi tình trạng sữa mẹ không thể giải quyết nhanh chóng.
- Chọn kết hợp nhiều loại thức ăn phong phú cho bé, thay đổi thực đơn thường xuyên để giúp bé ăn ngon.
- Trang trí món ăn bắt mắt, nhiều màu sắc vui nhộn, tạo sự thích thú cho bé
- Giúp bé tăng cường các hoạt động thể chất, chơi đùa để kích thích sự thèm ăn
- Kiểm tra hệ đường ruột của bé, điều trị triệt để.
- Gặp gỡ các chuyên gia và bác sĩ tâm lý để khắc phục chứng rối loạn ăn uống và các ảnh hưởng khác do thói quen ăn uống gây ra.
- Xen kẽ các bữa ăn dặm, bữa phụ với các bữa chính trong ngày.
- Lập bảng biểu theo dõi quá trình tăng trưởng của bé
Làm thế nào để biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không?
Để xác định bé có bị thiếu chất, suy dinh dưỡng hay không và ở mức độ nào, mẹ có thể thực hiện biện pháp chẩn đoán sau:
- Chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng và chỉ số nhân trắc học. Bạn cần đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn rõ.
- Bé sẽ được chẩn đoán dựa trên các chỉ số như: cân nặng theo độ tuổi, chiều cao theo độ tuổi, tỉ lệ cân nặng và chiều cao…
Các biện pháp điều trị bệnh Suy dinh dưỡng
Để điều trị suy dinh dưỡng cho bé, mẹ cần chú ý giải quyết triệu chứng và nguyên nhân, bao gồm:
Tham khảo ý kiến bác sĩ
Bạn cần hỏi ý bác sĩ để có kế hoạch điều trị, chăm sóc bé toàn diện, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để giúp bé phục hồi lại trạng thái tốt.
Cải thiện chế độ ăn uống
Giúp bé có những bữa ăn ngon, đa dạng và đặc biệt là cung ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể như protin, lipid, glucid, vitamin….Một số trẻ nhỏ cần được cho ăn với thức ăn xay nhuyễn hoặc ép nước.
Chăm sóc bé chu đáo
Trong trường hợp bé bị suy dinh dưỡng nặng, mẹ nên chú ý chăm sóc không chỉ ở bữa ăn mà còn trong các hoạt động khác của bé. Thông thường, bé sẽ biếng ăn và không hợp tác mỗi khi mẹ cho ăn. Lúc này, bạn cần phải bình tĩnh và kiên trì, hỗ trợ bé ăn được đủ với hàm lượng dinh dưỡng. Bạn có thể ép rau củ với sữa hoặc giã nhuyễn để bé dễ ăn hơn.
Theo dõi, đánh giá thường xuyên
Sau một vài tuần, bạn cần đưa bé đến các trung tâm sức khỏe nhi khoa để được kiểm tra và theo dõi, đánh giá cân nặng, chỉ số nhân trắc học. Từ đó, bạn có thể biết được quá trình cố gắng của cả hai mẹ con hoặc có sự điều chỉnh chế độ ăn uống khi cần.
Bé bị suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là gánh nặng của bố mẹ. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp mẹ nắm rõ được những quy tắc phòng và điều trị chứng biếng ăn, khó hấp thu dưỡng chất ở trẻ nhỏ. Chúc bé yêu nhà bạn sẽ mau ăn chóng lớn và luôn khỏe mạnh.
Xem thêm:
Lợi ích bất ngờ từ sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh
Cần làm gì khi trẻ bị thiếu cân?