NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI “CHĂM SÓC SẢN PHỤ SAU SINH”
Sau khi sinh, cơ thể người mẹ rất yếu và hay bị đau nhức. Vì vậy trong khoảng thời gian này, mẹ và người thân cần chú ý đến chế độ chăm sóc sản phụ sau sinh và theo dõi quá trình phục hồi tử cung, tiết sản dịch, lên và tiết sữa, những thay đổi tổng quát khác của sản phụ.
Ngày đầu sau sinh, tử cung chưa được thu nhỏ lại hoàn toàn và sản dịch sẽ tiết ra rất nhiều. Một đến hai tuần sau, sản dịch sẽ hết hẳn và sản phụ sẽ thấy dễ chịu hơn. Lúc này, mẹ cần chăm sóc và vệ sinh vùng âm hộ thật sạch sẽ tránh bị nhiễm trùng và viêm nhiễm. Nếu bị nhiễm trùng sản dịch có mùi hôi, có thể có lẫn mủ. Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ, bạn có thể uống các loại nước giúp bài tiết sạn dịch tốt như trà đường, nước mía.
Tắc tia sữa
Một đến hai ngày sau sinh, lượng sữa về rất nhanh và nhiều. Bạn sẽ thấy vú căng cứng, đau nhức, có thể sốt nhẹ (38 – 38,5 0C), đôi khi kèm nhức đầu, khó chịu. Tình trạng căng sữa có thể kéo dài 24 – 48 giờ, sau đó sữa thực sự chảy ra. Nếu căng sữa nên cho trẻ bú thường xuyên hơn, bú đúng cách và vắt sữa dư. Các chuyên gia vẫn khuyên rằng sản phụ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn nếu không có chống chỉ định của bác sĩ vì sữa mẹ kinh tế hơn, tiện dụng, dễ bảo quản, cho con bú sẽ thắt chặt tình cảm mẹ con, giúp tử cung co hồi tốt hơn trong thời kỳ hậu sản. Ngoài ra cho con bú còn giúp phòng ngừa thiếu máu, mẹ chậm có kinh lại 8 tháng sau sinh, có thể ngừa thai được 6 tháng đầu sau sinh, giảm nguy cơ ung thư vú ở mẹ… Lưu ý trước và sau mỗi lần cho bú nên làm vệ sinh vú sạch sẽ bằng nước ấm.
Với những sản phụ bị tắc tia sữa cần phải vắt sữa thường xuyên kết hợp massage thông tuyến sữa. Hiện nay có rất nhiều dịch vụ chăm sóc sau sinh- chăm sóc phục hồi, hỗ trợ sản phụ massage thông tuyến sữa rất hiệu quả. Ngoài ra chườm rượu gừng, chườm nước ấm, men rượu cũng giúp bầu vú bớt căng cứng và lượng sữa tiết ra nhiều hơn.
Vết khâu sinh thường và sinh mổ
Với những sản phụ sinh thường, chú ý đến vết khâu tầng sinh môn. Nếu tầng sinh môn bị rách hay cắt khi sinh thì được may lại. Vết khâu tầng sinh môn cần được kiểm tra xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ, đau nhiều, có tụ máu âm hộ, âm đạo, chân chỉ có mủ… hay không?
Nếu bị đau có mủ cần được điều trị ngay, tránh tình trạng ẩm ướt kéo dài vết thương sẽ chậm lành và dễ nhiễm trùng, tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón… Với những sản phụ sinh mổ cần chú ý đến chăm sóc vết mổ. Nếu quá đau, bạn vẫn có thể dùng thuốc kháng sinh dành cho phụ nữ cho con bú, không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Toàn thân đau nhức
Có rất nhiều vấn đề thường gặp của phụ nữ ở giai đoạn hậu sản. Trong đó, việc không cho bé bú đúng cách, ngồi quá lâu, làm việc nặng, căng thẳng cũng khiến bạn bị đau lưng và mệt mỏi. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần xem lại cách mình cho bé bú đã đúng chưa, bé bú có thoải mái không, trong quá trình cho bé bú bạn có bị đau lưng, mỏi vai gáy hay không? Hãy quan tâm đến sức khỏe của mẹ nhiều hơn nếu bạn muốn chăm sóc cho thiên thần của mình được chu đáo và toàn diện. Giải pháp cho các mẹ sau sinh là hãy tham khảo các tư thế cho con bú giúp bạn thoải mái.
Bên cạnh đó, nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng. Bạn có thể tập yoga hoặc đi bộ sau sinh, sẽ làm giảm đau lưng cho mẹ. Tập các bài tập quay vòng cho đầu và vai. Mẹ có thể đi bơi, nước có tác dụng rất tốt tới cơ thể, giúp các cơ hoạt động ko bị quá tải, cơ thể trở nên rắn chắc hơn.
Chăm sóc sản phụ sau sinh đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Người mẹ nên chú ý đến vấn đề vệ sinh cũng như có chế độ dinh dưỡng phù hợp để có một sức khỏe tốt nhất.