Đừng chủ quan với Trầm cảm sau sinh
Tự hành hạ bản thân, tự tử hay sát hại con đều không phải lỗi của người Mẹ bị trầm cảm sau sinh. Thực chất người Mẹ mới chính là ” nạn nhân” trong câu chuyện bi thương này. Ai cũng muốn được khỏe mạnh, ai cũng muốn hạnh phúc bên cạnh thiên thần nhỏ của mình nhưng sự coi thường vết thương nội tâm từ những người thân cận nhất đã vô tình đẩy Mẹ bỉm vào vực sâu.
Không phải tự nhiên mà ngành tâm lý học, những nhà tham vấn/ tư vấn viên xuất hiện ngày càng phổ biến, vì chúng ta cứ mãi lo sợ những thương tích ngoài da mà quên rằng tâm hồn cũng cần ” dùng thuốc”, đặc biệt là với những đối tượng dễ bị tổn thương như Mẹ bầu, Mẹ bỉm và trẻ em.
Theo một số nghiên cứu sàng lọc, tỉ lệ Trầm cảm sau sinh của phụ nữ Việt Nam có thể lên tới 33% gấp 2-3 lần so với Thế Giới. Điều này cho thấy, Trầm cảm sau sinh chính là bài toán khó không chỉ Mẹ bỉm phải gánh vác mà trách nhiệm còn nằm ở gia đình hay chính người bạn đời của cô ấy. Đừng chủ quan với Trầm cảm sau sinh !
Cùng CARE WITH LOVE điểm lại một số biểu hiện chủ yếu khiến Mẹ bỉm dễ rơi vào tình trạng Trầm cảm sau sinh
1. Luôn tự cảm thấy buồn bã, gần như buồn mỗi ngày, biểu hiện như cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng hay người khác nhận thấy như vậy.
2. Giảm hứng thú với các hoạt động thường nhật, gần như ngày nào cũng vậy (tự nhận xét hay người khác nhận thấy vậy).
3. Sụt cân hay tăng cân đáng kể (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng dù không ăn kiêng để giảm cân hay ăn theo chế độ tăng cân). Thèm ăn quá nhiều hay quá ít so với bình thường mỗi ngày.
4. Mất ngủ/ngủ quá nhiều gần như mỗi ngày.
5. Rối loạn tâm thần vận động gần như mỗi ngày (được nhận thấy bởi người khác, không tính khi bệnh nhân chỉ cảm thấy mình chậm chạp hay mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi).
6. Mệt mỏi, cảm thấy hết năng lượng gần như mỗi ngày.
7. Cảm thấy bản thân vô dụng, mất phương hướng.
8. Giảm khả năng tư duy/tập trung, không thể quyết định được điều gì gần như mỗi ngày.
9. Suy nghĩ nhiều về cái chết (không chỉ là sợ chết), có ý định tự tử nhiều lần mà không có cách thức cụ thể.
Mẹ bỉm nào có ít nhất 5 biểu hiện trên hoặc có sự thay đổi về cảm xúc suốt 2 tuần liền thì nên nghĩ đến việc gặp bác sĩ tâm lý để được điều chỉnh kịp thời. Đừng chủ quan với Trầm cảm sau sinh !
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến trầm cảm cần quan tâm
Thực tế, các Mẹ bỉm nên phòng ngừa triệu chứng Trầm cảm sau sinh từ sớm hơn là để đến lúc gặp phải. Rất khó nhận biết đâu là trầm cảm thật hay đâu là rối loạn cảm xúc bình thường sau sinh. Thêm nữa, những dấu hiệu của Trầm cảm sau sinh lại trùng lặp với những rối loạn khác, ví dụ như mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém, lo lắng…
Bất kỳ bà mẹ nào mới sinh con đều có thể trải qua những cảm xúc này. Do đó, việc tiếp cận chẩn đoán có vai trò quan trọng để nhận biết các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến trầm cảm cần quan tâm:
- Trong thai kỳ: Mẹ lo lắng quá mức, tiền sử mắc trầm cảm, thai ngoài ý muốn, bạo lực gia đình, thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp, hút thuốc lá, mẹ đơn thân, mối quan hệ với bạn đời bất ổn…
- Sau sinh: Bị trầm cảm trong thời gian mang thai; lo lắng, sợ hãi trong suốt thời gian mang thai; có biến cố không hay xảy ra trong thời gian mang thai hay mới sinh con; sang chấn sản khoa; sinh non hay trẻ phải chăm sóc đặc biệt; tiền sử Trầm cảm sau sinh; vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ..
Các Mẹ bỉm tuyệt đối không được chịu đựng cảm xúc tiêu cực một mình, nếu không thể chia sẻ cùng bạn đời hay gia đình, các Mẹ có thể tìm đến các nhân viên tham vấn, bác sĩ tâm lý hoặc một trung tâm chăm sóc Mẹ & Bé uy tín để được hỗ trợ kịp thời.
CARE WITH LOVE luôn hiểu những khó khăn, vất vả, đôi khi là sự ấm ức khó nói thành lời, nhưng mong các Mẹ bỉm đừng chủ quan với Trầm cảm sau sinh, phải thật sự bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh để tự cứu lấy chính bản thân mình và đôi khi là cứu cả thiên thần nhỏ nữa.