“Bỏ túi” cách tính ngày dự sinh và tuổi thai chuẩn nhất

Khi biết tin một thiên thần nhỏ đã xuất hiện trong bụng mình, chắc chắn người mẹ nào cũng muốn biết con được bao nhiêu “tuổi” và khi nào mình sẽ gặp con? Có rất nhiều cách tính ngày dự sinh và tuổi thai, để biết phương pháp chuẩn xác nhất, hãy tham khảo bài viết sau của Carewithlove. 

  1. Một số khái niệm cơ bản mẹ bầu cần hiểu rõ

  • Tuổi thai là gì?

Tuổi thai là khoảng thời gian từ khi bào thai bắt đầu hình thành cho đến thời điểm mang bầu hiện tại. Đơn vị tính tuổi thai có thể là tuần (tuần 1 đến tuần 40), tháng (tháng thứ nhất đến tháng thứ 9) hoặc tam cá nguyệt 1 – 2 – 3.  

Tương quan giữa tam cá nguyệt, tháng và tuần tuổi thai
Tương quan giữa tam cá nguyệt, tháng và tuần tuổi thai

Có 2 loại tuổi thai mẹ bầu cần phân biệt, đó là: 

– Tuổi thai theo ngày thụ tinh: Nếu mẹ biết chính xác và canh ngày rụng trứng để có em bé thì tuổi thai sẽ được tính từ thời điểm thụ tinh đến thời điểm mang thai hiện tại. Theo cách này, thai nhi có 266 ngày tương đương 38 tuần để trưởng thành và chui ra khỏi bụng mẹ. 

– Tuổi thai theo ngày đầu kinh cuối: Nếu mẹ không nhớ rõ ngày rụng trứng cũng như ngày thụ tinh thì bác sĩ sẽ ước tính tuổi thai theo ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng. Theo cách này, thai nhi có 280 ngày, tương đương với 40 tuần để phát triển và chui ra khỏi bụng mẹ.  

Đây cũng chính là lý do tại sao khi đi khám thai định kỳ, tuổi thai luôn có sự “sai số” chút ít so với tính toán ban đầu của bạn. Cho nên các bậc phụ huynh cần hiểu rõ vấn đề này để tránh những sự cố “đội mũ xanh” hay “đổ vỏ” đáng tiếc. 

  • Ngày dự sinh là gì?

Ngày dự sinh ( EDD – Estimated date of delivery), là ngày dự kiến mẹ bầu sẽ chuyển dạ và sinh em bé. Các cách tính ngày dự sinh thường chỉ tương đối, nên các mẹ có thể chuyển dạ trước hoặc sau ngày đó khoảng vài ngày, thậm chí vài tuần hoặc 1 – 2 tháng.

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố tác động đến ngày dự sinh, chính vì vậy theo thống kê chỉ có khoảng 5% trẻ sơ sinh trên thế giới “ra” gặp mẹ mình đúng vào ngày dự sinh. 

  1. Những cách tính ngày dự sinh và tuổi thai chuẩn xác nhất hiện nay

  • Cách tính ngày dự sinh, tuổi thai theo chu kỳ kinh nguyệt

Cách tính ngày dự sinh và tuổi thai này chỉ áp dụng cho mẹ nào có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn 28 hoặc 30 ngày. Chẳng hạn, nếu chu kỳ kinh của mẹ là 28 ngày thì ngày trứng rụng sẽ là ngày thứ 14 và nếu được thụ tinh đúng vào ngày nay thai coi như đã được 2 tuần tuổi và ngày dự sinh sẽ còn khoảng 38 tuần nữa. Tuy nhiên, do trứng có thể rụng trước hoặc sau ngày giữa chu kỳ nên cách này cho phép sai số trong phạm vi (+/-) 1 tuần. 

Các mẹ nên nhớ rõ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối (theo dương lịch) để đọc cho bác sĩ siêu âm. Họ sẽ căn cứ vào đó để tính tuổi thai thực tế và tính ngày sinh.

Một số quy tắc tính ngày dự sinh và tuổi thai theo chu kỳ kinh nguyệt:

– Quy tắc Naegele

Ngày dự sinh = LMP + 7 ngày – 3 tháng + 1 năm
Ngày dự sinh = LMP + 7 ngày – 3 tháng + 1 năm

Cộng 7 ngày vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối (LMP) của bạn và sau đó trừ ba tháng và cộng thêm 1 năm (xem ảnh trên để hình dung rõ hơn).

Đo đường kính túi ối
Đo đường kính túi ối
Đo chiều dài đầu mông
Đo chiều dài đầu mông
Đo đường kính lưỡng đỉnh
Đo đường kính lưỡng đỉnh

Còn nếu tháng nhỏ hơn 3 thì sẽ áp dụng công thức: Ngày dự sinh = LMP + 7 ngày + 9 tháng + 0 năm (xem ảnh trên để hình dung rõ hơn).

– Quy tắc Mittendorf – Williams

Quy tắc dựa trên một nghiên cứu cho rằng thời gian mang thai lần thứ 2, thứ 3,… sẽ ngắn hơn thời gian mang thai lần đầu. Chẳng hạn, lần đầu là khoảng 288 ngày thì lần thứ 2 sẽ vào khoảng 283 ngày. Cách tính ngày dự sinh theo quy tắc này như sau:

  • Mang thai lần đầu: Ngày dự sinh = LMP + 9 tháng + 15 ngày.
  • Mang thai từ lần 2 trở đi: Ngày dự sinh = LMP + 9 tháng + 10 ngày

– Quy tắc Rakesh Parikh

Cách tính ngày sinh con bằng quy tắc này cho kết quả chính xác hơn quy tắc Nagele, nhất là đối với các chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Cách tính ngày dự sinh theo quy tắc này như sau: Ngày dự sinh = (LMP + 9 tháng + 15 ngày) – 21 ngày.

  • Cách tính ngày dự sinh và tuổi thai bằng cách đo kích thước tử cung

Bác sĩ có thể đoán tuổi thai và ngày dự sinh bằng việc đo kích thước của tử cung. Khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ, tử cung của bạn nằm ở trên khung xương chậu. Đến 20 tuần, đáy dạ con sẽ nằm gần rốn…. Tuy nhiên, đây không phải là cách tính ngày  dự sinh và tuổi thai đúng nhất bởi có thể bị “sai số” do một số yếu tố như: đa thai, béo phì…

  • Cách tính ngày dự sinh và tuổi thai bằng siêu âm

Đo đường kính túi ối

Đo chiều dài đầu mông

Đo đường kính lưỡng đỉnh 

Có thể nói, đây là cách tính ngày dự sinh và tuổi thai chính xác nhất. Bằng cách dựa vào các chỉ số của thai do bác sĩ đo rồi so sánh với dữ liệu sẵn có.  Có 3 chỉ số mà bác sĩ siêu âm thường dùng để tính ngày sinh con trong thời gian mang thai là đường kính túi ối (GS), chiều dài đầu mông (CRL) và đường kính lưỡng đỉnh (BPD).

  • Cách tính ngày dự sinh và tuổi thai trong IVF hoặc sau khi thụ tinh trong ống nghiệm

Tính tuổi thai và ngày dự sinh trong IVF hoặc thụ tinh ống nghiệm sẽ chính xác hơn bình thường. Do bạn đã biết chính xác ngày cấy phôi hoặc ngày rụng trứng.

Tính ngày sinh trong IVF hoặc thụ tinh ống nghiệm bằng cách cộng thêm 38 tuần (tức 266 ngày) kể từ khi trứng được thụ tinh. Một cách tính khác đó là vẫn cộng thêm 38 tuần nhưng sẽ trừ đi số ngày mà phôi được cấy vào. Chẳng hạn, nếu phôi được cấy ba ngày thì sẽ trừ 3 ngày và 4 ngày thì trừ 4 ngày.

Cách tính ngày dự sinh và tuổi thai rất quan trọng, không chỉ giúp mẹ bầu có thể chủ động trong quá trình chăm sóc mẹ bầu mà còn đánh giá sự phát triển của em bé có bình thường hay không để kịp thời có biện pháp xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, những cách tính ngày dự sinh trên đây cũng chỉ mang tính tương đối, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc nào về thai kỳ của mình nhé.