Cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh
Con bạn bị nấc? Tuy biết rằng nấc không có gì nguy hiểm nhưng thấy con nấc hoài cũng chẳng phải là điều dễ chịu. Bạn hãy thử một số mẹo sau đây để cơn nấc chóng qua nhé:
Cách chữa nấc hiệu quả cho trẻ tại nhà
Cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh phổ biến nhất là dùng thức ăn, thức uống để tác động đến cơ hoành của con, bởi nấc là hiện tượng xảy ra khi cơ hoành làm loạn. Đơn giản nhất là bạn có thể thử cho con bú, hành động nuốt sữa từ từ từng lượng nhỏ sẽ giúp bó cơ này có thời gian để thư giãn và trở lại trạng thái bình thường.
Nếu bé con của bạn đã đủ lớn, hãy cho bé uống nước từng ngụm nhỏ. Ngoài ra, dù chưa có bằng chứng y khoa nào cho thấy nhỏ gripe water (loại thuốc nước trị chứng đau bụng quặn) vào miệng con thì hiệu quả hơn cho con uống nước bình thường trong cốc uống có vòi, nhưng nhiều bố mẹ vẫn dùng loại thuốc nước này để chữa nấc cho trẻ sơ sinh và nói rằng việc đó có tác dụng.
Nếu con đã được tập ăn dặm thì bạn cũng có thể cho con thứ gì đó ngon ngon để ăn (chẳng hạn như chuối nghiền, táo nghiền, ngũ cốc…) để bé có hành động nuốt.
Một số người còn nghĩ rằng nỗ lực nuốt đường dạng tinh thể cũng sẽ giúp cơ hoành trở lại trạng thái bình thường, vậy nên mới có mẹo truyền miệng (được một số bác sỹ ủng hộ) là bạn hãy để một chút đường xuống dưới lưỡi của con. Lưu ý: bạn hãy chỉ để một chút đường và khuyến khích con nuốt nhanh trước khi đường tan. Hoặc bạn có thể chấm ti giả của con vào đường và đút vào miệng bé.
Cách chữa nấc cho trẻ
Mẹo chữa nấc dân gian
Một số mẹo chữa nấc cho trẻ sơ sinh khác còn có: Cho con đứng thẳng, bế đứng bé lên hoặc nếu bé đã đủ cứng cáp thì cho bé đứng vịn. Con có thể bị phản ứng trào ngược sau khi ăn gì đó, trong trường hợp này, bác sỹ có thể khuyên bạn giữ bé thẳng lên khoảng 30 phút sau khi ăn.
Hoặc bạn khiến con phân tâm, không để ý đến việc mình đang nấc nữa, có thể bằng những trò chơi như ú òa, lục lạc, hoặc cho con đồ chơi để gặm…
Xoa lưng con nhè nhẹ theo chuyển động lên xuống để giúp các cơ của bé thư giãn. Tốt nhất trong lúc xoa lưng cho con, bạn cũng hãy giữ bé ở tư thế ngồi/ đứng thẳng chứ không nằm, và cách làm này cần chút thời gian để phát huy tác dụng.
Nếu tất cả các cách trên đều không hiệu quả thì chúng ta đành chờ vậy. Dù nấc cụt khiến bạn và con khó chịu nhưng điều đó không nguy hiểm. Các chuyên gia nói rằng hãy đưa bé đến bác sỹ nếu bé bị nấc nhiều giờ liền, còn trong hầu hết các trường hợp khác thì tốt nhất hãy chỉ can thiệp nhẹ nhàng như những cách kể trên hoặc để thời gian xoa dịu mọi thứ chứ đừng áp dụng những cách như cố gắng làm con giật mình (cách hiệu quả với người lớn không phải lúc nào cũng tốt cho trẻ nhỏ), kéo lưỡi bé hay ấn vào thóp của bé nhé.