Những mũi Vaccine cần có trong cuộc đời
Gần đây có nhiều thông tin về trường hợp đáng tiếc xảy ra liên quan đến tiêm chủng nhưng đến nay, tiêm ngừa bằng vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Thực tế, lợi ích khi tiêm ngừa vaccine vẫn cao hơn nhiều so với những ca gặp phản ứng không mong muốn sau tiêm. (Trên Gia đình có sử dụng tư vấn chuyên môn của Ths. Bs. Hồ Vĩnh Thắng, viện Pasteur TP. HCM về vấn đề tiêm phòng vaccine.)
Theo đó, có những loại vaccine nên tiêm ngừa trong suốt cuộc đời mỗi con người để đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh từ khi lọt lòng mẹ đến khi trưởng thành.
Các mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây xem mình còn thiếu loại vaccine nào không nhé! ^^
“Đội quân áo giáp nhân tạo”
Cơ thể được bảo vệ bởi hai loại miễn dịch là tự nhiên và nhân tạo. Trong miễn dịch nhân tạo lại chia thành hai loại:
Miễn dịch chủ động: Được tạo ra do tiêm các loại vaccine đặc hiệu. Vaccine đưa vào cơ thể chính là những loại vi khuẩn, virus (đã được giảm hoạt lực) để kích thích cơ thể tạo kháng thể, phòṇg tránh được bệnh.
Miễn dịch thụ động: Trong trường hợp khẩn cấp như đạp vào kim loại gỉ ́sét hoặc bị động vật nghi ngờ mắc bệnh dại cào cắn thì để phòng bệnh kịp thời, bác sĩ sẽ chỉ định huyết thanh kháng uốn ván hay huyết thanh kháng dại. Kháng huyết thanh khác vaccine ở chỗ kháng thể được trực tiếp đưa vào chứ không phải chờ cơ thể tự tạo.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Từ năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng đã được chủng mở rộng đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Các mũi vaccine được tiêm vào thời điểm cụ thể là:
– Sơ Sinh: Tiêm vaccine phòng lao (BCG) và viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh.
– 2 tháng tuổi: Tiêm vaccine phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT); viêm gan B (VGB), viêm màng não mủ do Hib mũi 1 và uống vaccine ngừa bại liệt (OPV) lần 1
– 3 tháng tuổi: Tiêm vaccine phòng DPT – VGB – Hib mũi 2 và uống vaccine ngừa bại liệt lần 2.
– 4 tháng tuổi: Tiêm vaccine phòng DPT – VGB – Hib mũi 3 và uống vaccine ngừa bại liệt lần 3.
– 9 tháng tuổi: Tiêm vaccine ngừa sởi mũi 1.
– 18 tháng tuổi: Tiêm vaccine phòng DPT mũi 4 và sởi mũi 2.
Một số loại vaccine không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tiêm cho trẻ là vaccine ngừa tiêu chảy cấp (cho trẻ từ 2-6 tháng tuổi); vaccine ngừa cúm (trẻ từ 6 tháng tuổi).
Cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn
Bao gồm các loại:
– Vaccine ngừa viêm não Nhật Bản (JEV)
– Vaccine ngừa bệnh thủy đậu
– Vaccine ngừa sởi – quai bị – rubella
– Vaccine viêm gan siêu vi A
Ở người lớn có kết quả xét nghiệm HbsAg (viêm gan siêu vi B) âm tính, cần tuân thủ lịch tiêm 3 liều vaccine ngừa viêm gan B.
Lưu ý: Vaccine phòng thủy đậu, rubella và cúm có ý nghĩa quan trọng với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Do đó, chị em cần được tiêm ngừa trước khi mang thai.
Trẻ trên 2 tuổi và người lớn
– Vaccine ngừa viêm não do não mô cầu (A + C)
– Vaccine ngừa viêm não, viêm phổi do phế cầu
– Vaccine ngừa thương hàn
– Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (trẻ em từ 9 tuổi)
Vaccine uốn ván (VAT) cho phụ nữ
Thai phụ bị uốn ván có thể gây thai chết lưu và bé sinh ra dễ bị uốn ván rốn sơ sinh, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, lưu ý lịch tiêm:
VAT 1: Lần đầu ở phụ nữ 15 đến 35 tuổi hay phụ nữ có thai
VAT 2: Ít nhất 4 tuần sau VAT 1
VAT 3: Ít nhất 6 tháng sau VAT 2 hoặc khi có thai lần sau
VAT 4: Ít nhất 1 năm sau VAT 3 hoặc khi có thai lần sau
VAT 5: Ít nhất 1 năm sau VAT4 hoặc khi có thai lần sau
Trường hợp đặc biệt
Người bị chó,mèo, khỉ…hay động vật nghi dại cắn, cào cấu làm trầy xước da nên tiêm huyết thanh kháng dại. Nếu bị trầy xước do sắt gỉ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng uốn ván.
Tuy nhiên, để an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, bạn nên tiêm vaccine phòng chống bệnh dại và vaccine uốn ván. Điều này giúp đề phòng nguy hiểm mà bạn không biết hay không có điều kiện tiêm phòng kịp thời. Huyết thanh có giá thành cao và nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với vaccine.
Lưu ý khi tiêm ngừa
– Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng ở dịch vụ có khác nhau về các mũi vaccine và giá cả. Ngoài ra, khi đưa bé đi tiêm, bạn đừng quên mang theo sổ chích ngừa của bé để bác sĩ theo dõi và chỉ định chính xác loại và thời điểm tiêm.
– Sau khi tiêm ngừa, bạn nên ngồi lại ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng. Khi có một số biểu hiện nguy hiểm như: sốt cao, hạ thân nhiệt, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, vật vã, khó thở, nôn ói, đau quặn bụng… cần thông báo ngay với bác sĩ, điều dưỡng để được xử lý kịp thời.
– Thực tế, không có loại vaccine nào có thể đảm bảo phòng bệnh tuyệt đối. Hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ địa, khả năng bền vững của kháng nguyên, miễn dịch giảm theo thời gian, vaccine không được bảo quản đúng, kỹ thuật tiêm sai sót, không tiêm đúng lịch hoặc bỏ tiêm nhắc…