Nhiều dịch bệnh có khả năng bùng phát vào mùa hè
Ngoài bệnh sởi, các bệnh tay chân miệng, thủy đậu, viêm não virus cũng như sốt xuất huyết... đang có dấu hiệu quay trở lại khi thời tiết chuyển sang mùa hè.
Ngoài dịch sởi đang vẫn rất “nóng” với 136 ca tử vong, các bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) đều cũng ghi nhận có ca tử vong tại thời điểm này.
Cùng với đó, các dịch bệnh khác như viêm não, thủy đậu… đều có nguy cơ bùng phát thành dịch trong mùa hè.
Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát
Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 4.354 trường hợp mắc sởi xác định trong số 18.074 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố với 136 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.
Trong khi đó, bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu vào mùa. Từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận18.659 ca mắc và 2 trẻ tử vong ở Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. “Dù giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cảnh báo sẽ có diễn biến phức tạp trong năm nay. Không loại trừ khả năng dịch tay chân miệng bùng phát trở lại vì bệnh chưa có vắc-xin phòng, lại là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên khả năng lây lan rất lớn trong dịch hè này.
Còn về bệnh viêm não do virus thì đến nay cả nước ghi nhận 191 trường hợp mắc, 03 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2013 (175/5) số mắc cả nước tăng 9,0%, tử vong giảm 02 trường hợp. Bệnh viêm não virus thường gia tăng vào mùa hè, do đó trong thời gian tới có thể số mắc tiếp tục gia tăng.
Trung bình hàng năm, ở nước ta, số ca mắc thủy đậu khoảng 30-40 nghìn trường hợp, bệnh thường nhẹ và hầu như không có tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, không ghi nhận tử vong, số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ 2013 (7.900 trường hợp mắc). Tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2008 – năm có dịch thủy đậu (22.821 trường hợp mắc). Một số tỉnh có số ca mắc cao trong 3 tháng 2014 là: Hà Nội (869), Khánh Hòa (851), Đà Nẵng (771), Bà Rịa – Vũng Tàu (769), Nghệ An (669).
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì virus sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi. Các công ty vắc-xin đã cung cấp đủ vắc-xin thủy đậu cho các cơ sở tiêm chủng.
Riêng Hà Nội từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 39 trường hợp mắc bệnh SXH tại 14 quận, huyện; 193 trường hợp mắc bệnh TCM tại 26 quận, huyện; 869 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, tăng 584 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cảnh báo, hiện nay, bên cạnh việc phòng, chống bệnh sởi, TP Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch, bệnh mùa hè trên địa bàn.
Do vậy, ngành y tế thủ đô đã chỉ đạo các quận, huyện, các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại địa phương mình; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ điều trị, giám sát bệnh TCM, SXH, tả, thủy đậu. Phối hợp các ban, ngành đoàn thể, nhất là ngành giáo dục và đào tạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè ở các trường học. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phòng chống bọ gậy; phun hóa chất tại các xã, phường trọng điểm về SXH…
Cần chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè
Trước diễn biến phức tạp của bệnh TCM, thủy đậu, viêm não virus cũng như nguy cơ các bệnh truyền nhiễm như SXH, tả, thương hàn, tiêu chảy quay trở lại khi thời tiết chuyển sang mùa hè.
Trước tình hình trên, sáng ngày 11/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam họp với Bộ Y tế, về công tác chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không được chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh, bao gồm cả dịch sởi và các dịch bệnh mới bắt đầu vào mùa như: SXH, TCM. Ðồng thời phải luôn đặt trong tình trạng chủ động phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó Bộ Y tế đã và đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; điều tra, tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không để dịch lan rộng kéo dài. Ðồng thời, yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị tốt công tác thu dung, điều trị, cách ly người bệnh, phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị, nhất là đối với bệnh sởi, bệnh TCM, các bệnh đường hô hấp, nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chết…
Tuy nhiên để làm tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh người dân cần tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống các dịch bệnh mùa hè như thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng như sởi, thủy đậu, viêm não vi rút.. Ngoài ra, vào đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh lây lan, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virus trong môi trường.
Các bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa như TCM, SXH, người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế trong việc phòng bệnh, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã… Khi trẻ bị TCM phải được cách ly ít nhất mười ngày từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện mắc bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác vào thời gian này.